MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội khám răng cho các em nhỏ tại huyện Mù Căng Chải- tỉnh Yên Bái. Nguồn ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cách chữa những bệnh răng miệng phổ biến nhất người Việt thường mắc phải

Bác sĩ Lê Hoàng Anh - Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội LDO | 20/03/2023 12:00

Ước tính, trong miệng chúng ta có khoảng 300 loài vi khuẩn, bao gồm lactobacillus (gây sâu răng), fusospirochete (gây ra các bệnh về nướu). Dưới dây là một số loại bệnh răng miệng người Việt thường mắc phải. 

Hôi miệng

Nguyên nhân chủ yếu gây hôi miệng là do sự giải phóng các hợp chất sulphur dễ bay hơi trong khoang miệng.

Hôi miệng là do vệ sinh răng miệng không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Có thể do khi ăn, một số thức ăn nhỏ dính trong kẽ răng, hốc răng sâu bên trong bị vi khuẩn phân hủy gây ra mùi hôi; ăn các loại thức ăn có mùi nồng như hành, tỏi...

Lượng nước bọt không đủ để làm sạch răng cũng có thể là nguyên nhân của hôi miệng. Ngoài ra, nhiễm trùng mũi họng như rối loạn hô hấp (mũi, xoang, amidan, vùng hầu), có thể dẫn đến hôi miệng;

Hôi miệng còn được xem là triệu chứng điển hình và thường xuyên của bệnh trào ngược dạ dày- thực quản. Một số bệnh khác cũng có thể gây hôi miệng. 

Khi phát hiện bị hôi miệng kéo dài, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để xác định nguyên nhân. Hầu hết, nguyên nhân thường gặp là do việc vệ sinh răng miệng kém và mắc các bệnh lý về răng miệng.

Nếu bác sĩ phát hiện có viêm nhiễm trong miệng như cao răng, sâu răng, mảng bám, viêm quanh răng, người bệnh cần được thực hiện các can thiệp nha khoa trước tiên.

Nếu hôi miệng không phải do các nguyên nhân trong miệng hoặc sau khi can thiệp nha khoa mà vẫn thấy hôi miệng, thì người bệnh cần thăm khám các chuyên khoa khác như tai- mũi- họng, tiêu hóa... để có can thiệp xử trí phù hợp.

Một số cách chữa hôi miệng tạm thời như sử dụng kẹo cao su hoặc nước súc miệng, dung dịch xịt thơm miệng sau khi hút thuốc lá, ăn hành tỏi.

Cân nhắc việc sử dụng một số loại thuốc có làm giảm bài tiết nước bọt gây ra chứng hôi miệng. Lưu ý bổ sung nước thường xuyên để tránh khô miệng.

Điều trị hôi miệng bằng cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ đúng cách, đánh răng đều đặn ngày 2 lần sáng và tối, đồng thời sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng sau mỗi lần ăn xong để làm sạch các mảng bám quanh răng, sử dụng dụng cụ cạo lưỡi hàng ngày để loại bỏ các mảng bám vi khuẩn trên bề mặt lưỡi. Chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế hút thuốc lá, uống rượu, cà phê...

Sâu răng

Là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng và hình thành các lỗ nhỏ trên răng. Sâu răng là do sự kết hợp của các yếu tố, bao gồm vi khuẩn trong miệng, ăn vặt thường xuyên, sử dụng đồ uống có đường và vệ sinh răng miệng không tốt. Bất cứ ai có răng đều có thể bị sâu răng, kể cả trẻ sơ sinh.

Nếu răng đã bị sâu thì bạn nên đến các cơ sở nha khoa để được khám răng, hàn răng giúp bảo vệ răng, tránh tình trạng sâu răng lớn gây tổn thương tủy răng dẫn đến những tình trạng nặng nề hơn như viêm tủy răng, hoại tử tủy răng, viêm quanh cuống răng… thậm chí có thể dẫn đến mất răng.

Ngoài ra bạn cũng có thể dự phòng sâu răng bằng sử dụng varnish fluoride bôi bề mặt răng 6 tháng/lần tại cơ sở nha khoa.

Thăm khám thường xuyên, đánh răng và dùng chỉ nha khoa là cách bảo vệ tốt nhất chống lại sâu răng.

Bệnh viêm lợi

Khi vi khuẩn ở trong mảng bám hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng có thể gây ra bệnh viêm lợi. Đây là các nguyên nhân khiến lợi dễ bị tổn thương, điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm.

Trong vòng 24 tiếng, các mảng bám tích tụ trong răng, sẽ cứng lại và tạo thành cao răng. Với các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường thì không thể làm sạch chúng được, mà cần phải dùng các thiết bị nha khoa chuyên dụng.

Vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra càng lớn. Tuy nhiên bệnh viêm lợi không nguy hiểm nó chỉ gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, mất tự tin trong giao tiếp.

Khi bị viêm lợi, nướu của chúng ta sẽ bị đỏ và sưng. Để đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn chảy máu lợi, nặng hơn thì sẽ bị mất răng.

Giai đoạn nhẹ có thể súc miệng bằng nước muối, dầu dừa, tinh dầu sả,... có thể sử dụng các nước súc miệng có chất kháng khuẩn như chlorhexidine giúp làm sạch khoang miệng, loại bỏ mảng bám. Khi bệnh viêm lợi đã trở nên nghiêm trọng thì có thể cần phải dùng thuốc kháng sinh, chống viêm theo chỉ định của bác sĩ nha khoa.

Bệnh viêm quanh răng (bệnh nha chu)

Là do các mảng bám và cao răng chứa nhiều vi khuẩn gây tổn thương lợi và quanh răng. Ngoài ra, yếu tố như răng mọc lệch... cũng góp phần làm cho tình trạng viêm tiến triển nặng thêm. Bệnh cũng có thể là do yếu tố bên trong như suy dinh dưỡng, thiếu vitamin C, thay đổi nội tiết ở tuổi dậy thì, sức đề kháng yếu...

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu nào trị bệnh viêm quanh răng. Vì vậy, duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ và ăn uống hợp lý là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bạn.

Ngoài ra bạn cũng nên khám răng định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm các triệu chứng bệnh quanh răng để điều trị kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn