MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách nhận biết thịt lợn bẩn, thịt lợn sạch bằng mắt thường

Trang Thiều (T/H) LDO | 15/03/2022 10:56

Với thịt lợn bẩn, thịt lợn ôi, khi cắt sâu vào miếng thịt sẽ thấy nhũn, chảy chất dịch và có mùi hôi, khi rửa sẽ chuyển sang màu nhạt và có mùi tanh. 

Nhận biết thịt lợn sạch

Theo kinh nghiệm của những người bán thịt lâu năm, thịt lợn tươi thường có màu hơi hồng, không đỏ rực. Nhìn vào phản thịt thấy cả nạc và mỡ, không phải toàn nạc. Mỡ và bì càng dày, lợn được nuôi càng lâu, không ăn cám tăng trọng. Bên cạnh đó, màu mỡ trắng phau chứng tỏ con lợn khỏe mạnh, không bị bệnh.

Thịt lợn sạch không chứa chất tạo nạc sẽ có lớp mỡ dày khoảng 1.5 - 2cm, chỗ kết nối giữa phần mỡ và phần nạc có sự liên kết và không có chất dịch màu vàng. Khi ấn tay vào không để lại vết lõm trên miếng thịt và khi bỏ ngón tay ra không bị dính. 

Bên cạnh đó, thịt lợn sạch có khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều mềm nhưng vẫn đứng thẳng, khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước, khi luộc nước trong, nổi váng to.

Thịt lợn tươi thường có màu hơi hồng, không đỏ rực, mùi không bị ôi thiu. Ảnh: Minh Quang

Nhận biết thịt lợn ốm chết, thịt lợn bẩn

Thịt lợn ốm chết, thịt lợn ôi thường có mùi hôi. Nếu đã được khử mùi hôi bằng bằng hóa chất có thể quan sát bằng mắt. Theo đó, miếng thịt thường nhợt nhạt, ngả màu xanh hoặc đỏ bầm. Cầm miếng thịt trên tay thấy nhớt. Nếu đã được ngâm qua hàn the thì miếng thịt khô, se nhưng khi ấn ngón tay vào sẽ để lại vết lõm, sau đó mới trở lại bình thường và có độ dính nhất định.

Khi cắt sâu vào miếng thịt sẽ thấy nhũn, chảy chất dịch và có mùi hôi, khi rửa sẽ chuyển sang màu nhạt và có mùi tanh. 

Bên cạnh đó, thịt lợn có chứa chất tạo nạc sẽ có lớp mỡ rất mỏng, chỉ khoảng 1cm. Chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ tách rời rõ rệt và có dịch màu vàng chảy ra.

Thịt lợn có chứa chất tăng trọng thường mềm, không đứng thẳng, khi chế biến thịt ra nhiều nước và hao thịt, thịt có mùi hôi khác thường. Khi luộc nước có màu đục, tanh, hôi, các két đen đóng thành mảng trên thành xoong.

Thịt có mùi hôi, khi dùng tay bóp nhẹ là thịt nát ra. Ảnh: LĐO

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể phân biệt các loại thịt lợn mắc bệnh như sau:

Lợn bị sán dây (lợn gạo): Trong thớ thịt sẽ có kén giun màu trắng. Những đốm trắng này hình bầu dục, có thể lớn bằng hạt đậu.

Lợn bị thương hàn: Bề mặt da lợn có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím.

Lợn bị bệnh tả: Nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.

Lợn bị tụ huyết trùng: Thịt có những mảng bầm, tụ máu.

Lợn bị viêm gan: Thịt có màu vàng.

Lợn bị bệnh đóng dấu: Bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn