MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ là bệnh rất dễ gặp phải trong thời điểm gió mùa. Ảnh đồ hoạ: Vũ Linh

Cách phòng ngừa một số loại bệnh cho trẻ khi thay đổi thời tiết

Vũ Linh (theo onlymyhealth) LDO | 22/09/2023 12:00

Gió mùa về có thể giúp giảm bớt cái nóng oi bức, nhưng cũng mang theo nhiều loại bệnh gây hại cho trẻ nhỏ.

TS Preetham Kumar Reddy - bác sĩ Nhi khoa Bệnh viện nhi Rainbow (Secunderabad) - vừa có cuộc trao đổi cùng OnlyMyHealth về những bệnh thường gặp trong mùa mưa. Vị bác sĩ này cũng chia sẻ các biện pháp bảo vệ sức khoẻ trẻ khi đổi mùa.

Các bệnh lây nhiễm thường gặp khi đổi mùa

Mùa mưa, nhiễm virus trở thành mối lo với nhiều phụ huynh. Ví dụ, năm ngoái, adenovirus rất phổ biến, trong khi năm nay, virus RSV lại xuất hiện nhiều hơn.

Ngoài ra, khi nhiệt độ dao động trong khoảng 30-32°C, số ca sốt xuất huyết thường tăng cao. 

Dấu hiệu cảnh báo

Điều quan trọng là cha mẹ phải cảnh giác và nhận biết các dấu hiệu cảnh báo ở trẻ khi vào mùa mưa. Theo TS Reddy, một số dấu hiệu chính bao gồm:

❖ Sốt dai dẳng: Trẻ nhỏ sốt trên 3 ngày là điều đáng lo ngại.

❖ Sốt cao kèm theo tình trạng hôn mê: Phụ huynh cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế gần nhất.

❖ Buồn ngủ, đau bụng và nôn mửa: Nếu trẻ nhỏ có biểu hiện ngủ mê man, đau bụng hoặc nôn mửa trong hoặc sau khi ngừng sốt thì phải liên hệ với bác sĩ chuyên khoa ngay.

❖ Thay đổi ý thức: Khi con có bất kì thay đổi nào trong ý thức, chẳng hạn như nhầm lẫn hoặc mất phương hướng... thì cần sớm thăm khám hoặc xin tư vấn từ các bác sĩ.

❖ Khó thở và ho không ngừng: Hãy gọi cho bác sĩ trong trường hợp trẻ khó thở hoặc ho không kiểm soát được.

Bảo vệ trẻ em khi nhiễm bệnh theo mùa

Việc ngăn chặn sự lây lan các bệnh lý ở trẻ em trong mùa mưa là điều vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp phòng chống hiệu quả:

❖ Cách ly trẻ bị bệnh: Khi trẻ bị ốm, điều quan trọng là phải cách ly để ngăn ngừa sự lây lan.

❖ Đeo khẩu trang khi đi học: Khuyến khích con đeo khẩu trang khi tới trường hoặc nơi đông người. Các trường học cũng nên đảm bảo sự thông thoáng bằng việc giãn cách ghế ngồi, thường xuyên mở cửa sổ, lau dọn phòng học... 

❖ Loại bỏ các điểm dễ thành "tổ" muỗi: Thường xuyên làm sạch các hồ nước nhân tạo, bể chứa, bồn nước... để giảm sự sinh sản của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

❖ Các phương pháp bảo hộ: Cho trẻ mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt. Thường xuyên sử dụng thuốc chống muỗi cho trẻ.

❖ Chế độ ăn uống dinh dưỡng: Đảm bảo trẻ nhỏ duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh. Rau xanh cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu, tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống viêm nhiễm hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn