MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần có bộ tiêu chuẩn quốc gia để kiểm soát thuốc lá thế hệ mới

Thái Anh LDO | 23/08/2022 16:28
Trước kiến nghị của Bộ Công thương cho phép thí điểm có thời hạn với thuốc lá thế hệ mới, các chuyên gia cho rằng chỉ nên thông qua cho những sản phẩm đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và mọi kết luận cần dựa trên bằng chứng khoa học.

Vai trò giảm tác hại của thuốc lá thế hệ mới: Cần dựa trên khoa học 

Hiện tại dù thế giới đã có nhiều bằng chứng khoa học khẳng định vai trò giảm tác hại của thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) hay còn gọi là thuốc lá không khói, nhưng vẫn còn vài luồng ý kiến đặt nghi vấn về khả năng giảm tác hại hoặc tác động ngoại ý nhưng chưa có thống kê của các sản phẩm này. Thậm chí có ý kiến cho rằng TLTHM chứa những chất độc hại ngang bằng hoặc hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường.

 Trước ý kiến này, các chuyên gia trong “Tọa đàm Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam” do Báo Điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hôm 5.8 tại Hà Nội đưa ra hàng loạt dẫn chứng khoa học cho vấn đề này.

Theo đúc kết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều cơ quan quản lý y tế ở các quốc gia tiên tiến thì nghi vấn nói trên đang ngược lại với quan điểm về chuỗi nguy cơ thuốc lá. Theo đó, các sản phẩm TLKK bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá ngậm snus, hay nicotine dạng miếng dán, xịt mũi, xịt họng có khả năng giảm tác hại lên tới 90% so với thuốc lá đốt cháy.

“Theo FDA Hoa Kỳ, khi sử dụng TLLN thì có thể giảm đến 98% hàm lượng các chất độc chính gây ra trong thuốc lá”, TS.BS Đào Văn Tú, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương chia sẻ.

Chuỗi nguy cơ chỉ ra, thuốc lá điếu đốt cháy là độc hại nhất. Ảnh: CMH.

PGS. TS. BS. Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Mọi kết luận cần dựa trên bằng chứng khoa học, ý kiến chuyên gia chỉ là cấp độ thứ yếu so với tất cả những chứng cứ về mặt khoa học”.

Theo ThS.BS Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện Pháp Việt (FV), một nghiên cứu khác ở Nhật kết luận, bệnh nhân COPD và bệnh nhân tim mạch hút thuốc lá điếu mà không cai được, nếu có thể chuyển sang TLLN thì tỷ lệ nhập viện giảm đi rất đáng kể.

Tại Việt Nam, báo cáo cho thấy tỉ lệ cai nghiện thuốc lá thành công ở bệnh nhân với rất nhiều biện pháp hỗ trợ, cũng chỉ đạt chưa đến 10%. Nếu áp dụng vào 4 triệu bệnh nhân COPD cai thuốc thành công thì vẫn còn khoảng 3,6 triệu bệnh nhân lựa chọn tiếp tục hút thuốc lá. Chúng ta nên nghĩ tới việc cung cấp cho họ giải pháp giảm tác hại, để hoàn thiện hơn quá trình điều trị.

Kết luận về vấn đề này, các chuyên gia y tế đồng thuận, bằng chứng dựa trên y học và hướng dẫn lâm sàng cần ưu tiên những đánh giá hệ thống hoặc phân tích gộp các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên và các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, chất lượng cao; các nghiên cứu thuần tập được thiết kế tốt hay nghiên cứu bệnh chứng được xem xét có hệ thống…

Việt Nam đã có 3 tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá làm nóng 

Các chuyên gia cũng đồng thuận cao về việc nên sớm có luật và thống nhất bộ tiêu chuẩn quốc gia trong quản lý các sản phẩm TLTHM (bao gồm TLLN, TLĐT) đang có mặt trên thị trường nước ta và chỉ nên thông qua cho những sản phẩm đạt yêu cầu nhằm bảo vệ  sức khoẻ cộng đồng.

Được biết cuối năm 2020 Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (TCCLVN), Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3458/QĐ-BKHCN về việc công bố 03 tiêu chuẩn quốc gia về Sản phẩm TLLN, bao gồm:

1. TCVN 13154:2020, Sản phẩm thuốc lá làm nóng – Xác định hàm lượng các oxit nitơ 2. TCVN 13155:2020, Sản phẩm thuốc lá làm nóng – Xác định hàm lượng cacbon monoxit 3. TCVN 13156:2020, Sản phẩm thuốc lá làm nóng – Các yêu cầu

Nhiều nước cũng đã công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới:

- Các nước Châu Âu (Anh, Pháp, Đức…),

- Các nước Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada),

- Các nước Liên Xô cũ (Nga, Ukraina, Kazakhstan),

- Các nước Trung Đông (Ai Cập, Jordani, Israel),

- Các nước châu Á (Trung Quốc, Philipinnes, Malaysia, Indonesia,…).

Theo nghiên cứu của Bekki và cộng sự (2017) đăng trên tạp chí của Trường Đại học Sức khỏe và Nghề nghiệp Nhật Bản cho thấy hàm lượng các chất trong sol khí thuốc lá làm nóng so với trong khói thuốc lá điếu (mg/điếu) như sau:

- Hàm lượng tar (nhựa thuốc lá): 9,8 so với 25,2;

- Hàm lượng nicotin: 1,1 so với 1,7;

- Hàm lượng cacbon monoxid (CO): 0,44 so với 33,0 (thuốc lá điếu gấp 75 lần);

Riêng hàm lượng nước trong sol khí TLLN gấp trên 3 lần trong khói thuốc lá điếu (33,1 so với 10,1), chứng tỏ sol khí TLLN chứa chủ yếu là nước, không phải là khói. Điều này cho thấy TLLN là một trong những sản phẩm thuốc lá giảm thiểu các chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu.[2]

Về vấn đề này, PGS. TS. BS. Trần Văn Ngọc cho rằng, nếu FDA Hoa Kỳ đã nghiên cứu thí nghiệm và thông qua (một số sản phẩm TLTHM) thì có thể xem là hướng dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, ông nhận định, Bộ Công thương, Bộ Y tế cũng có thể đánh giá lại các nghiên cứu khoa học cụ thể để có kết luận phù hợp với Việt Nam. Nếu đánh giá lại mà thấy đúng, thì đó sẽ có ý nghĩa rất trong chiến lược “giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại” thuốc lá toàn cầu của WHO đưa ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn