MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại VNVC. Ảnh: Phạm Đông

Cần coi việc thiếu vaccine là cấp bách để trẻ em được tiêm chủng đúng lịch

Phạm Đông LDO | 12/12/2023 09:09

Không có vaccine tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ tốn kém. Do đó, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần coi việc thiếu vaccine là tình huống cấp bách, tìm cách mua vaccine ngay, để trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch.

Hết vaccine, trẻ em phải tiêm dịch vụ

Liên tục nhiều tháng qua, TP Hồ Chí Minh trong cảnh “khát” vaccine tiêm chủng mở rộng (TCMR). Nhiều Trạm y tế cách đây 1 - 2 tuần còn một số loại vaccine, nhưng ghi nhận tới thời điểm hiện tại đã hết sạch. Suốt thời gian qua, không ít phụ huynh đến trạm y tế hỏi về vaccine để tiêm cho con nhưng chưa có nên đành phải đợi. Để đảm bảo đủ mũi tiêm chủng đúng hạn, đa phần các nhân viên y tế ở đây sẽ tư vấn cho phụ huynh đi tiêm vaccine dịch vụ bên ngoài.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, từ đầu năm 2023, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành tự đấu thầu mua vaccine, nhưng rất khó vì không tìm được nguồn và không thể đăng ký mua từ nước ngoài. Từ tháng 7.2023 đến nay, sở vẫn chờ và liên tục có văn bản tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị Bộ Y tế nhanh chóng có vaccine. Nếu kéo dài tình trạng thiếu vaccine, sẽ có nguy cơ tăng dịch bệnh. Hiện nay không có tỉnh, thành nào tự đấu thầu được vaccine.

Thiếu vaccine là một vấn đề rất nghiêm trọng, vừa qua, Hà Nội ghi nhận một bệnh nhi 6 tuần tuổi mắc ho gà. Tại Hà Nội, đến tháng 11.2023, có 5/10 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ như: Vaccine Sởi đơn, Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván, Lao, Viêm gan B, Bại liệt dạng tiêm.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - nhấn mạnh, cần coi việc thiếu vaccine là tình huống cấp bách, tìm cách mua vaccine ngay cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch. Việc không có vaccine tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ tốn kém và khi thiếu vaccine miễn phí, đối tượng bị ảnh hưởng nhất chính là những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện, khả năng tiếp cận vaccine dịch vụ.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị, Quốc hội, Chính phủ dành sự quan tâm cho vấn đề này. Chính phủ cần coi đây là tình huống cấp bách, để đưa ra các giải pháp có tính đặc thù.

Sớm giải quyết việc ách tắc trong khâu đấu thầu, mua sắm

Cùng thông tin với Lao Động, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tình trạng thiếu vaccine có thể dự đoán trước. Đại biểu băn khoăn, việc đấu giá ở cấp bộ chưa thành công, đưa về địa phương có làm được không? Do đó, nguy cơ thiếu vaccine rất cao. Vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng thiếu, nhưng vaccine dịch vụ không thiếu mũi nào. Điều này cho thấy, những ách tắc trong khâu đấu thầu, mua sắm vaccine của cơ quan quản lý nhà nước, cần sớm được mổ xẻ, rút kinh nghiệm triệt để.

Theo đại biểu, vướng mắc nhất hiện nay là ý thức của cơ quan thực thi công vụ với nhiều lý do, bởi đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi.

“Không phải vì lý do phòng, chống tiêu cực lại đặt ra các “hàng rào” để gây khó cho hoạt động mua sắm vaccine. Liệu có bao nhiêu phần trăm phụ huynh có đủ điều kiện để cho con em mình tiêm phòng vaccine dịch vụ trong thời điểm khó khăn như hiện nay?” - đại biểu đặt vấn đề.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đối với vaccine có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vaccine), Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng. Đến nay, Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine để tiếp nhận vaccine và thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương.

Đối với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu: Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định của Luật Đấu thầu.

Trong quá trình chờ, Bộ Y tế đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức Quốc tế, trong nước cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trong đó, Chính phủ Australia sẽ viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vaccine 5 trong 1, dự kiến tháng 12 sẽ về Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn