MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - kiểm tra phim chụp cho bệnh nhân ngộ độc rượu. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cận Tết lại lo ngộ độc rượu

Lệ Hà LDO | 20/01/2024 10:11

Tết Nguyên đán đang cận kề, đây cũng là dịp liên hoan, tiệc tùng diễn ra, nhu cầu tiêu thụ rượu của người dân tăng cao. Hệ lụy là số người nhập viện ngộ độc rượu bia, rối loạn tâm thần cũng sẽ tăng cao.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cho rằng: Trước và sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện năm nào cũng đông. Mùa rét, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao hơn hẳn, phần lớn là do uống rượu nhiều, gây ra chảy máu, xơ gan. Rượu làm giảm số lượng bạch cầu, giảm sức đề kháng của cơ thể nên tình trạng nhiễm trùng càng nặng”.

Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai điều trị cho 3 bệnh nhân nam có độ tuổi từ (46 đến 72) được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol được chuyển từ tuyến trước.

3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, khi chụp phim cắt lớp não đã có tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng đã có 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân mặc dù đã điều trị tối đa nhưng tiên lượng chuẩn bị tử vong và gia đình đang làm thủ tục xin về.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Gần đây, tại Trung tâm tiếp nhận nhiều ca uống phải rượu rởm pha cồn công nghiệp methanol đã bị biến chứng. Đa số các trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Những loại rượu này chủ yếu bán trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí đưa vào cả các quán nhậu”.

“Về nhận diện, phân biệt rượu ethanol mà methanol rất khó. Rượu methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.

Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch” - TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Trung tâm chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao, thường nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90%.

Ths.BS Lê Thị Phương Thảo - Phòng điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: Thời gian hấp thu phụ thuộc uống lúc no (hấp thu chậm hơn) hay lúc đói (hấp thu nhanh hơn). Khi rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, nó được phân bố tới não và toàn bộ các mô trong cơ thể vì rượu hòa tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác trong cơ thể…

Từ góc độ chuyên môn, Ths.BS Lê Thị Phương Thảo tư vấn: Không nên uống quá 5 ngày/tuần. Đối với nam không nên uống quá 1 - 1,5 chai/lon bia/ngày; cốc bia: 2 cốc/ngày và không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ngày. Nữ thì bằng ½ của nam và không uống quá 5 ngày/tuần.

Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn