MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cẩn trọng các dấu hiệu trẻ sốt nhẹ, cứng hàm, ăn uống khó khăn

Ngọc Lê LDO | 14/12/2020 15:33

Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) vừa tiếp nhận trường hợp bé trai nhập viện trong tình trạng sốt nhẹ 5 ngày, cứng hàm tăng dần, ăn uống khó khăn, được các bác sĩ xác định bệnh lý uốn ván.

Bé trai B.T.S 18 tháng tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM nhập viện trong tình trạng sốt nhẹ 5 ngày, cứng hàm tăng dần, ăn uống khó khăn, thỉnh thoảng ưỡn cong người và tím nhẹ môi khi gồng.

Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận em không há miệng được vì cứng hàm, ưỡn cong người, chân duỗi thẳng và tay nắm chặt khi kích thích. Không thấy vết thương ngoài da, không có tiền căn thương tích liên quan đến vật gỉ sét.

Gia đình cho biết, chỉ chích ngừa 2 mũi sau sinh ở bệnh viện sản (mũi lao và Viêm gan B), sau đó không chích thêm vaccine nào.

Bệnh nhi nhanh chóng được hội chẩn cùng chuyên gia truyền nhiễm và xác định bệnh lý uốn ván. Em được chuyển viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị.

Ths.BS Nguyễn Đình Qui (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, bệnh uốn ván là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Bệnh biểu hiện những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.

Vi khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, tại đây vi khuẩn cư trú một cách bình thường không gây bệnh. Trong điều kiện không thuận lợi, vi khuẩn tồn tại dưới dạng nha bào.

Thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật hoặc các vật sắt nhọn gỉ sét qua các vết rách trên da.

Cơ thể không có miễn dịch tự nhiên với vi khuẩn uốn ván. Người mẹ được tiêm phòng uốn ván trong lúc mang thai có thể truyền kháng thể qua nhau thai sang con nhưng kháng thể chỉ tồn tại không quá hai tháng trong máu con. Việc truyền kháng thể từ sữa mẹ rất ít.

Các xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh ít có giá trị. Rất hiếm tìm thấy vi khuẩn uốn ván từ vị trí bị nhiễm khuẩn và thông thường cũng không phát hiện được sự đáp ứng kháng thể. Do vậy, việc xác định bệnh chủ yếu dựa vào bệnh sử và thăm khám.

Việc điều trị phức tạp, đôi khi phải mở khí quản, thở bằng máy nếu trẻ suy hô hấp nặng và đa phần để lại di chứng thần kinh, tỉ lệ tử vong cao khi có biến chứng. Do vậy, quan trọng nhất là dự phòng: Gây miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vaccine DPT (bạch hầu – ho gà – uốn ván) nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia lúc 2, 3, 4 tháng tuổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn