MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi sử dụng thiết bị làm mát không đúng cách

BÍCH NGỌC LDO | 12/05/2023 14:22

Thống kê tại các cơ sở y tế vào mùa hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm còn lại. Đặc biệt, việc sử dụng các thiết bị làm mát không đúng cách tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ cao. 

Nguy cơ đột quỵ tăng cao vào mùa hè. Ảnh: Phong Linh

Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân N.T.L (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng tê yếu nửa người trái, sức cơ yếu và thờ ơ nhẹ khi tiếp xúc, nói đớ, có dấu hiệu đột quỵ cấp do sử dụng điều hòa làm mát ngay sau khi đi ngoài nắng về.

Được biết, bệnh nhân L ra ngoài lúc giữa trưa, do trời nắng nóng, khi về nhà ông L liền bật quạt, đồng thời bật máy lạnh để nằm nghỉ ngơi. Sau vài phút, ông L bị chóng mặt, miệng bên trái bị tê và méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu. Sau khi được đưa đi cấp cứu, ông L được chẩn đoán bị cơn nhồi máu não cấp do sốc nhiệt. 

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhi T.T.K (14 tuổi) bị tổn thương gan, nhức đầu và ngất xỉu, được chẩn đoán sốc nhiệt do vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng.

Theo ghi nhận tại TP Cần Thơ, những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng điều hòa, quạt máy, hay tắm nhiều lần một ngày để làm mát càng cao.

May mắn được đưa vào cấp cứu kịp thời do sốc nhiệt và có dấu hiệu đột quỵ vì tắm đêm, anh Lam Trường (Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết: "Tôi cứ nghĩ, đột quỵ thường là bệnh của người lớn tuổi. Do chủ quan nên tôi thường tắm vào buổi tối để đỡ nóng, tắm vào ban đêm làm tôi bị sốc nhiệt phải đưa vào viện cấp cứu".

Tại TP Cần Thơ, những cơn mưa bất chợt xuất hiện không làm giảm đi nhiệt độ nắng nóng mà còn làm cho thời tiết càng trở nên oi bức, ẩm nóng.

Chị Tuyết Nhi (Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết: "Thời tiết nóng bức cả ngày lẫn đêm tôi phải sử dụng điều hòa, quạt để làm mát. Mặc dù nghe nhiều thông tin về sốc nhiệt, đột quỵ nhưng tôi chưa biết cách về cách phòng tránh".

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ,  50% trong số đó không thể qua khỏi. Những người lớn tuổi, có bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch, người phải vận động, làm việc trong thời gian dài ngoài trời có nguy cơ mắc đột quỵ cao. Đặc biệt đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa.

Bác sĩ Hoàng Tuyết Sương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, để giảm thiểu tình trạng kiệt sức và đột quỵ do thời tiết nắng nóng, những người có bệnh cao huyết áp và tim mạch nên hạn chế hoạt động ngoài trời nắng; hạn chế việc bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp sau khi đi từ ngoài về; thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn