MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cảnh báo sai sự thật về baking soda gây hại men răng

Bảo Phương LDO | 30/01/2024 19:17

“Baking soda gây mòn men răng ở trẻ” là những thông tin sai sự thật nhưng đang được lan truyền tràn lan trên mạng xã hội. Baking soda dưới góc nhìn chuyên gia, là chất tẩy trắng hay làm sạch khoang miệng?

Gần đây trên mạng xã hội phát đi cảnh báo của một số “chuyên gia” tự phong về việc baking soda gây mòn men răng, biếng ăn ở trẻ, từ đó đưa ra các lời khuyên không nên sử dụng hoạt chất mang tính tẩy rửa, mài mòn trong miệng con.

Theo tìm hiểu, baking soda, hay còn gọi là Natri Bicarbonat (NaHCO3) là hợp chất được sử dụng rộng rãi trong đời sống từ công nghiệp đến thực phẩm và y tế, dễ dàng bắt gặp trong các công thức làm bánh, trong kem đánh răng, gạc rơ lưỡi hay nước súc miệng. Bên cạnh đó, baking soda cũng là thành phần thường gặp trong các công thức làm sạch, khử mùi công nghiệp.

Baking soda là hoạt chất được dùng rộng rãi trong đời sống. Ảnh minh hoạ: BSCC

Dựa trên hàm lượng và độ tinh khiết, baking soda sẽ được ứng dụng trong 3 lĩnh vực chính: Công nghiệp (Baking soda thô); Thực phẩm (Baking soda tinh khiết); Dược phẩm (Đòi hỏi độ tinh khiết cao nhất).

Baking soda thô công nghiệp có thể chứa tạp chất như chì, asen, hay các kim loại nặng. Trong khi loại dùng trong dược phẩm, y tế phải có độ tinh khiết lên tới 95% dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Y Tế.

Tuy giống nhau về tên gọi nhưng hàm lượng sử dụng và độ tinh khiết của các loại baking soda là hoàn toàn khác nhau. Việc lấy tính chất baking soda trong tẩy rửa công nghiệp để áp dụng cho dược phẩm là sai lầm.

Baking soda có gây mòn men răng?

Trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ CK II Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi TW khẳng định, đây là quan điểm không chính xác.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi TW khẳng định, baking soda không gây mòn men răng ở trẻ nhỏ. Ảnh: BSCC

Về mặt hóa học, natri bicarbonat hỗ trợ quá trình hấp thu calci và phosphat và làm bền vững bề mặt răng. Về mặt vật lý, quá trình mài mòn chỉ diễn ra khi chà xát chất có độ cứng cao trên bề mặt chất có độ cứng thấp hơn.

Bản thân natri bicarbonat có độ cứng bằng 30 – 40% độ cứng men răng và các hợp chất chứa calci trên bề mặt răng, do đó không thể gây mài mòn răng. Ngược lại còn giúp bảo vệ, củng cố lớp men răng vững chắc.

Với hàm lượng phù hợp, NaHCO3 được ứng dụng rất nhiều trong các sản phẩm dành cho trẻ em với mục đích phòng chống bệnh về răng miệng như bệnh nha chu, chống sâu răng, nấm miệng. Natri bicarbonat là nguyên liệu chính trong kem đánh răng, nước súc miệng, gạc răng miệng cho bé.

“Trẻ 5, 6 tháng thì mới mọc chiếc răng đầu tiên, nên trẻ chưa có răng thì không thể mòn men răng được” – Bác sĩ CK II Nguyễn Thị Ngọc Lan bổ sung.

Đồng quan điểm, Th.S Nguyễn Hữu Duy – Giảng viên khoa Dược lý, Dược lâm sàng – Đại học Dược HN cho biết, các nghiên cứu hiện nay cho thấy khi sử dụng sản phẩm chứa NaHCO3 có hàm lượng lên tới 67% thì cũng không tác động xấu đến men răng. Do đó khi sử dụng các chế phẩm chăm sóc răng miệng với hàm lượng chỉ từ 0.5 đến 10% thì đạt hàm lượng Bộ Y tế cho phép và hoàn toàn tác động tốt đến răng miệng của trẻ.

NaHCO3 chống lại sự mòn men răng gây ra bởi acid. Ảnh: BSCC

Sử dụng baking soda thế nào cho đúng?

Không khó để bắt gặp những bài viết về việc sử dụng bột baking soda như một phương pháp tẩy trắng răng tại nhà. Tuy nhiên, hàm lượng và nguồn gốc baking soda theo những hướng dẫn này đều không có thông tin cụ thể.

Theo các bác sĩ chuyên gia, để bảo vệ răng miệng tốt điều quan trọng là phải thường xuyên chải răng, chăm sóc khoang miệng bằng sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Nếu đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên không mang lại kết quả như mong muốn thì nên tham khảo ý kiến của nha sĩ, không nên tự ý sử dụng baking soda đơn độc, hoặc kết hợp với chanh, dấm tại nhà.

Đối với trẻ em, sử dụng gạc rơ lưỡi có hàm lượng NaHCO3 có hàm lượng phù hợp theo quy định của Bộ Y Tế giúp làm sạch hàng ngày, phòng bệnh tưa lưỡi, nấm lưỡi, diệt vi khuẩn khác gây bệnh răng miệng, ngăn ngừa tối đa vấn đề sâu răng.

“Sản phẩm này không tích lũy, vì thế nên không lo ngại về vấn đề mòn men răng trong tương lai” – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan khẳng định.

Một thành phần tốt khi dùng với hàm lượng hợp lý, nhưng qua hành vi câu view, câu like, hoặc bị lợi dụng đánh tráo khái niệm lại trở thành thành phần không tốt, gây hại cho sức khỏe. Trước các ma trận thông tin mạng xã hội, các bậc phụ huynh nên có sự chắt lọc thông tin từ các nguồn uy tín, được kiểm chứng để tránh tình trạng hoang mang hiểu nhầm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn