MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Cảnh giác với bệnh động mạch chi dưới mạn tính

Lệ Hà LDO | 30/07/2022 15:18

Bệnh động mạch chi dưới mạn tính chỉ tình trạng một phần hay toàn bộ chi dưới không được cung cấp đầy đủ máu đáp ứng cho các hoạt động sinh lý, gây ra bởi các bệnh lý động mạch mạn tính. Tại Việt Nam, các bệnh lý tim mạch nói chung xuất hiện ngày càng nhiều, liên quan chặt chẽ tới các yếu tố nguy cơ hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì... Bệnh động mạch chi dưới mạn tính và các biến chứng của nó cũng ngày càng phổ biến hơn.

Ông N.H.K (67 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) đến khám với triệu chứng đau cách hồi ở chân, ông chia sẻ cứ di chuyển 50-100m là lại thấy đau.

Qua khai thác tiểu sử các bác sĩ được biết ông K có thói quen hút thuốc lá và thuốc lào nhiều năm. Đánh giá ông K có nguy cơ cao bị mắc động mạch chi dưới mạn tính, ông đã được thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh và hội chẩn đưa ra hướng can thiệp sớm nhất cho người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh động mạch chi dưới mạn tính là một bệnh lý tiến triển dai dẳng và theo từng giai đoạn. Biểu hiện của bệnh là đau nhức chân khi vận động hay còn gọi là đau cách hồi. Khi diễn tiến bệnh nặng lên, quãng đường đi lại được liên tục của bệnh nhân sẽ càng ngày càng ngắn. Nặng hơn, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức chi dưới liên tục ngay cả khi đang nghỉ ngơi và cuối cùng là các dấu hiệu thiếu máu cục bộ như loét da, hoại tử đen bàn ngón chân, phải cắt cụt chi. Bệnh thường hay gặp ở bệnh nhân cao tuổi, tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá nhiều năm. Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh lý này, trong đó vữa xơ động mạch chiếm hàng đầu. Hậu quả của bệnh động mạch chi dưới mạn tính ít gây tử vong (khoảng 1%) nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống, sinh hoạt, làm việc và lao động của người bệnh, thậm chí trở thành tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều trị còn nhiều khó khăn cả về phương diện nội, ngoại khoa cũng như phục hồi chức năng.

Hầu hết các bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh sẽ thấy dấu hiệu đau cách hồi: Đau khi đi lại, dừng lại nghỉ sẽ đỡ đau và lại đau khi tiếp tục đi. Khoảng cách quãng đường khi xuất hiện đau càng ngắn thì mức độ bệnh càng nặng. Ban đầu, bệnh nhân có thể xuất hiện đau khi đi khoảng 1.000 mét, nhưng càng về sau, có thể chỉ đi 200 mét đã đau hoặc ngắn hơn, thậm chí đau cả khi không đi lại, đau khi nghỉ ngơi. Hiện nay, đa số người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn muộn, khi người bệnh ngồi tại chỗ cũng đau.

Bệnh có liên quan nhiều đến các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến mạch máu bao gồm: thuốc lá, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường. Vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối bỏ thuốc lá và điều trị, kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như kiểm soát tốt huyết áp, điều trị bệnh đái tháo đường và tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid.

Một vấn đề quan trọng nhất là cần khám và phát hiện bệnh sớm, ở giai đoạn chưa đau khi nghỉ ngơi hay chưa có viêm loét, hoại tử chi do thiếu máu. Phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh tránh được tàn phế do các biến chứng của bệnh.

Các bác sĩ có lời khuyên, khi đã xuất hiện bệnh, có đau cách hồi, người bệnh cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch và dùng thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn. Theo dõi định kỳ để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh biến chứng.

Sáng 30.7.2022, đã có hơn 100 người dân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tham gia chương trình khám, tư vấn, siêu âm doppler miễn phí bệnh động mạch chi dưới mạn tính. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn