MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ths.Bs Phạm Minh Ngọc khám và tư vấn bệnh nhân nữ mắc hội chứng khiến bệnh nhân không thể quan hệ tình dục. Ảnh: Hương Giang

Cặp vợ chồng kết hôn 6 năm vẫn không thể quan hệ tình dục

Hương Giang LDO | 19/06/2023 15:33

Kết hôn đã 6 năm vẫn chưa 1 lần quan hệ tình dục, chị H nhiều khi đã muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này vì cảm thấy có lỗi với chồng. 

Chỉ khi đến khám tại Trung tâm Y học giới tính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chị H mới biết nguyên nhân và tìm ra con đường hạnh phúc của mình.

Chị H tâm sự chưa từng quan hệ tình dục một lần nào dù đã kết hôn nhiều năm, dẫn đến việc không thể có con. Mỗi khi chồng vừa chạm nhẹ vào vùng kín là chị đã co cứng các cơ, khiến cho chồng không thể thâm nhập được vào “cô bé”.

Từ đó đến nay, cách duy nhất chị có thể làm được là thủ dâm cho chồng, dần dần chị có tâm lý mặc cảm, tội lỗi vì không thể làm chồng thỏa mãn và không thể tìm được thiên chức làm mẹ.

“Em đã từng có ý nghĩ ly hôn để giải thoát cho chồng, em thấy mình không xứng đáng với anh ấy”, “em đã đi khám chữa vài nơi, nhưng dù thoải mái, thả lỏng tâm lý nhưng tình trạng co cứng, đau nhói vùng âm đạo vẫn không cải thiện”, chị H nhớ lại.

Ngày 20.5, chị H đến khám nguyện vọng bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) vì mong con. Sau thăm khám, phát hiện bệnh nhân mắc một rối loạn tình dục nữ hiếm gặp là Co thắt âm đạo (Vaginismus).

ThS.BS Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung Tâm Y học Giới tính, Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Vaginismus”, hay “Co thắt âm đạo” là tình trạng co thắt các cơ vùng chậu sinh dục ngoài ý muốn người bệnh, ngăn cản mọi động thái đưa vào âm đạo.

Tại trung tâm, chị H được bác sĩ tham vấn tâm lý và trị liệu, chỉ sau 3 buổi, tình trạng bệnh đã cải thiện tích cực, H không còn tâm lý lo lắng quá mức khi có vật thể thâm nhập vào âm đạo.

Chia sẻ về hội chứng co thắt âm đạo, ThS.BS Phạm Minh Ngọc cho biết: “Đây là một trong những rối loạn tình dục nữ khá hiếm gặp, nguyên nhân chủ yếu do tâm lý, ngoài ra còn có thể do nguyên nhân nội tiết, chấn thương, phẫu thuật…

Một số trường hợp khác là có thể do người bệnh bị ám ảnh bởi trải nghiệm tình dục lần đầu quá thô bạo dẫn đến tâm lý sợ hãi cho những lần quan hệ tình dục về sau".

Biểu hiện của hội chứng co thắt âm đạo là: Người bệnh không thể kiểm soát khả năng co – giãn cơ vùng chậu, mà phản xạ co thắt xuất hiện ngoài ý muốn. Ngoài ra bệnh nhân rất sợ hãi, lo lắng quá mức, hay giật lùi người, ưỡn lưng, né tránh khi chuẩn bị thăm khám.

Để điều trị hiệu quả những trường hợp này, bác sĩ Ngọc cho rằng cần phải tìm hiểu rõ vấn đề của bệnh nhân, từ đó cá thể hóa điều trị. Trong nhiều trường hợp phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị như: Tâm lý liệu pháp, trị liệu tình dục và thuốc.

Với trường hợp của chị H, bác sĩ Trung tâm Y học Giới tính – Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã kết hợp hai phương pháp là điều trị tâm lý và trị liệu tình dục. Sau 3-5 buổi tập, chị H đã có thể quan hệ tự nhiên và hy vọng đón “tin vui” trong tương lai gần.

“Đa số bệnh nhân đều ngại đi khám, chỉ âm thầm chịu đựng khiến tình trạng thêm nặng nề, để lại hậu quả đến cả sinh sản và đời sống tình dục, thậm chí đời sống hôn nhân của 2 vợ chồng”, bác sĩ Ngọc khuyên các cặp vợ chồng cần trao đổi, chia sẻ thẳng thắn với nhau trong vấn đề tình dục.

Nếu có bất thường không thể tự khắc phục, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa sâu về y học giới tính để thăm khám và điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn