MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cam thảo đất- một loại dược liệu có tác dụng kháng viêm, hạ sốt, kháng khuẩn... Đồ họa: Hương Giang

Cây cam thảo đất - dược liệu có tác dụng ức chế chất thúc đẩy khối u

Hương Giang LDO | 11/08/2023 19:00

Cam thảo đất là dược liệu có tác dụng kháng viêm, hạ sốt, kháng khuẩn, diệt ký sinh trùng sốt rét, hạ đường huyết, ức chế chất thúc đẩy khối u TPA, gây độc 6 dòng tế bào ung thư dạ dày...

Theo cuốn sách "Một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác" của Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (tháng 2.2021), do ThS-BS Nguyễn Đình Thục - Tổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam - giới thiệu, thì Cam thảo đất là 1 trong số 23 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.

Cam thảo đất có tên gọi khác là Cam thảo nam, Thổ cam thảo, Dã cam thảo...

Họ thực vật: Hoa mõm chó - Scrophulariaceae.

Đặc điểm hình thái: Cây thảo, sống một năm, cao 0,4 - 1,0 m. Cây mọc thẳng, phân cành, gốc hóa gỗ, ngọn và cành non có tiết diện vuông. Lá mọc đối hay vòng 3 cái, cuống rất ngắn, phiến lá hình mác ngược, thuôn dần về gốc, mép lá ở phía đầu xẻ răng cưa nông.

Cụm hoa gồm 1 - 3 cái mọc ở kẽ lá, có cuống mảnh. Đài hoa hình chén, xẻ 4 cánh nhọn. Tràng hoa màu trắng, hình ống ngắn, đầu xẻ 4 thùy gần bằng nhau. Nhị 4 thò ra khỏi ống tràng. Bầu nhỏ. Quả nang, hình cầu, có đài và vòi nhụy cùng tồn tại. Hạt rất nhỏ, màu nâu đen.

Mùa hoa quả: Kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 (tùy theo vùng).

Mùa thu hái là khi cây bắt đầu có hoa và quả non. Cách thu hái: Cắt lấy phần thân và cành mang lá hoặc nhổ cả cây (nếu lấy cả rễ), rửa sạch, để ráo nước, băm thành đoạn dài 3,0- 3,5 cm; phơi hay sấy khô (ở nhiệt độ 50-60°C).

Phân bố và sinh thái: Ở Việt Nam, Cam thảo đất phân bố rải rác gần như khắp các tỉnh, ngoại trừ vùng núi cao trên 1.500m. Cây cũng có mặt ở các quốc gia vùng nhiệt đới châu Á và phía Nam Trung Quốc.

Cam thảo đất là cây ưa ẩm và ưa sáng, song có thể hơi chịu bóng; thường mọc trên đất ẩm, lẫn với các cây cỏ nhỏ khác ở ven đường đi, các bãi hoang quanh làng, bãi bồi ven sông, nương rẫy và ven đồi.

Cây mọc từ hạt hàng năm vào giữa mùa xuân, sau mùa hoa quả, cây tự tàn lụi, hạt giống phát tán xuống đất sẽ nảy mầm vào đầu năm sau. Cây trồng được bằng hạt.

Bộ phận dùng: Toàn bộ phần thân, cành mang lá và có thể cả rễ, đã khô (Herba et radix Scopariae).

Thành phần hóa học: Cam thảo đất chứa các nhóm chất diterpen, flavonoid và acid hữu cơ. Các diterpen bao gồm 16 scoparinol, dulanol, scopadulin…Các flavonoid là hymenoxin, apigenin, luteolin, scutelarein, scutelarin, linarin, vitexin, isovitexin.

Các acid hữu cơ gồm acid betulinic, acid dulcisic, acid ifflaionic.

Công dụng: Dùng trong các trường hợp rong kinh, ban chẩn, ho do Phế nhiệt, viêm họng, tiêu chảy. Tính vị, quy kinh: Cam, vi khổ, hàn. Vào kinh Tỳ, Vị, Phế, Can.

Tác dụng: Nhuận Phế, thanh nhiệt tiêu độc, lợi niệu. Liều lượng, cách dùng: 8 - 12 g/ngày (khô), sắc hoặc hãm uống; 20 - 40 g/ngày (tươi), ép lấy nước uống.

Cam thảo đất là dược liệu có tác dụng kháng viêm, hạ sốt, kháng khuẩn, diệt ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, hạ đường huyết, ức chế chất thúc đẩy khối u TPA, gây độc 6 dòng tế bào ung thư dạ dày (SCL, SCL-6, SCL-37'6, SCL-9, Kato-3 và NUGC-4), hợp lực với acyclovir và ganciclovir.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khuyến cáo người dân khi muốn sử dụng thuốc nam, thuốc đông y để chữa bệnh thì cần phải nhớ rằng, thuốc đông y cũng giống như thuốc tây y, đều phải do thầy thuốc khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định, kê đơn phù hợp với loại bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn