MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây cối xay là dược liệu có tác dụng kháng viêm giảm đau, bảo vệ gan, tẩy giun sán, tăng cường chức năng sinh dục. Đồ họa: Hương Giang

Cây cối xay, dược liệu kháng viêm, giảm đau, tăng cường chức năng sinh dục

Hương Giang LDO | 18/08/2023 08:00

Cây cối xay là dược liệu có tác dụng kháng viêm giảm đau, điều hòa lipid máu, bảo vệ gan, hạ đường huyết, lợi tiểu, long đờm, tẩy giun sán, tăng cường chức năng sinh dục (điều trị hiếm muộn).

Theo cuốn sách "Một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác" của Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (tháng 2.2021), do ThS-BS Nguyễn Đình Thục - Tổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam - giới thiệu, thì cối xay là 1 trong số 23 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.

Cối xay có tên gọi khác là Giằng xay, Quýnh ma, Kim hoa thảo... Tên khoa học: Abutilon indicum (L.) Sweet.

Họ thực vật: Bông - Malvaceae.

Đặc điểm hình thái: Cây bụi, cao 1,2 - 2,5m, phân cành nhiều, phủ lông mềm và lông hình sao màu trắng.

Lá mọc so le; có cuống dài 6-10cm; phiến lá hình tim, đầu nhọn, mép lá khía răng cưa, cả 2 mặt đều phủ lông mềm màu trắng xám.

Hoa màu vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá gần đầu cành; cuống dài có đốt. Đài hoa hình chén, 5 cánh, mặt ngoài có lông ngắn.

5 cánh hoa hình tam giác ngược, đầu cánh hoa hơi lõm giữa. Nhị nhiều, mọc trên trục có lông. Bầu có lông, vòi nhụy xẻ nhiều nhánh.

Quả liệt, gồm nhiều phân quả xếp xít nhau như mặt cối xay, phần lưng các phân quả phủ lông mịn, đầu có mỏ nhọn. Hạt nhiều, hình thận, màu nâu đen, nhẵn.

Mùa hoa quả: Hoa tháng 6 - 7; quả tháng 7 - 10.

Mùa thu hái dược liệu cối xay là khi bắt đầu có hoa.

Cách thu hái: Cắt toàn bộ phần thân và cành mang lá, băm nhỏ, sau đem phơi khô.

Phân bố và sinh thái: Ở Việt Nam, cây cối xay phân bố rải rác ở vùng núi thấp xuống trung du và đồng bằng, thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Cây cối xay cũng có ở nhiều quốc gia thuộc vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây cối xay ưa ẩm và ưa sáng; thường mọc trên đất ẩm xen lẫn với các cây cỏ khác trong các lùm bụi quanh làng, ven bờ sông, bờ nương rẫy...

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Tái sinh tự nhiên bằng hạt và trồng được bằng hạt.

Bộ phận dùng: Toàn bộ phần cành mang lá, khô (Herba Abutili indici).

Thành phần hóa học: Cây cối xay chứa flavonoid, hợp chất phenol, acid amin, acid hữu cơ và đường. Các hợp chất flavonoid là gossypin, gossypitin, cyanidin-3-rutinosid. Hạt chứa 5% dầu béo. Lá chứa chất nhầy. Rễ chứa một ít alcaloid chưa xác định.

Công dụng: Dùng trong các trường hợp cảm nhiệt, sốt cao, đau đầu, ù tai, điếc, sốt vàng da, nước tiểu vàng đỏ, tiểu buốt, tiểu rắt, phù thũng, lở ngứa, dị ứng; Tính vị, quy kinh: Cam, bình. Vào kinh Tâm, Đởm.

Tác dụng: Giải biểu nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu. Liều lượng, cách dùng: 8 - 12 g/ngày, sắc uống.

Cây cối xay là dược liệu có tác dụng kháng viêm giảm đau, điều hòa lipid máu, bảo vệ gan, hạ đường huyết, lợi tiểu, long đờm, tẩy giun sán, tăng cường chức năng sinh dục (điều trị hiếm muộn).

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - khuyến cáo, người dân khi muốn sử dụng các loại dược liệu, thuốc nam, thuốc đông y để chữa bệnh thì cần phải nhớ rằng, thuốc đông y cũng giống như thuốc tây y, đều phải do thầy thuốc khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định, kê đơn phù hợp với loại bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn