MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây mò trắng là dược liệu có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn, hạ huyết áp, bảo vệ gan... Đồ họa: Hương Giang

Cây mò trắng - dược liệu có khả năng kháng viêm, chống oxy hóa, bảo vệ gan

Thùy Linh LDO | 10/08/2023 17:14

Cây mò trắng - dược liệu có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn, hạ huyết áp, bảo vệ gan, hạ đường huyết và natri máu, bảo vệ thần kinh.

Theo cuốn sách "Một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác" của Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (tháng 2.2021), do ThS-BS Nguyễn Đình Thục - Tổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam - giới thiệu, thì bạch đồng nữ (cây Mò trắng) là 1 trong số 23 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.

Bạch đồng nữ có tên gọi khác là cây Mò trắng, Vậy trắng, Lẹo trắng. Tên khoa học: Clerodendrum chinense var. simplex (Mold.) s. L. Chen.

Họ thực vật: Cỏ roi ngựa - Verbenaceae.

Đặc điểm hình thái: Cây bụi, cao 0,5 - 1,5 m. Cành non gần như vuông, có lông tơ mịn màu trắng ngà; cành già gần như nhẵn, màu xanh nâu.

Lá đơn, mọc đối, phiến lá hình trứng hoặc gần hình tim, rộng 8 - 20 cm; chóp lá nhọn, gốc lá hơi lõm hình tim, mép xẻ răng cưa đều; mặt trên nháp, màu xanh xám; mặt dưới có lông tơ và có tuyến gần cuống; gân bên 4 - 5 đôi, 3 gân gốc; cuống lá dài 3 - 10 cm, có lông.

Cụm hoa ở đỉnh cành, dày, cuống có lông. Lá bắc giống hình mác - thuôn, màu xanh xám, giữa có các gân. Hoa đơn.

Đài hình phễu, có lông và có tuyến ở phía ngoài, xẻ 5 thùy hình mác, dài 10 -16 mm. Tràng màu phớt hồng hay trắng, ống tràng dài 2 - 2,5 cm, nhẵn, xẻ 5 thùy phía trên, thùy hình bầu dục dài 8 - 10 mm.

Nhị 4, thò ra khỏi ống tràng; chỉ nhị đính trên ống tràng. Vòi nhụy dài bằng nhị, đỉnh xẻ 2 thùy. Quả hạch gần hình cầu.

Mùa hoa quả: Hoa tháng 6 - 8; Quả tháng 7 - 10.

Mùa thu hái là vào cuối mùa hè hay đầu mùa thu. Thu hái lá bánh tẻ hay cả cành mang lá; rửa sạch, để ráo nước, băm nhỏ, phơi hay sấy khô.

Phân bố và sinh thái: Phân bố ở hầu khắp các tỉnh và thành phố của Việt Nam. Trên thế giới cây còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Bạch đồng nữ là cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng. Cây thường mọc lẫn với các loại cây bụi nhỏ ở ven đồi, bờ nương rẫy, bờ rào và bãi hoang quanh làng.

Cây tái sinh tự nhiên bằng hạt và mọc cây chồi từ phần gốc còn lại. Cây trồng được bằng hạt.

Bộ phận dùng: Lá bánh tẻ hay cả phần cành mang lá băm nhỏ, đã khô (Herba Clerodendri chinense).

Thành phần hóa học: Bạch đồng nữ chứa flavonoid, tanin, coumarin, acid nhân thơm, aldehyd nhân thơm và dẫn chất amin có nhóm carboxyl. Người ta đã phân lập và xác định cấu trúc được một số hợp chất như clerodendrol, acasetin, và mesoinositol.

Công dụng: Dùng trong các trường hợp khí hư bạch đới, viêm loét tử cung, kinh nguyệt không đều, cao huyết áp, mụn nhọt lở ngứa

Tính vị, quy kinh: Vi khổ, lương. Vào kinh Tâm, Tỳ.

Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, khu phong trừ thấp, tiêu viêm. Liều lượng, cách dùng: 10 - 12 g/ngày, sắc hoặc hoàn. Nấu nước rửa vết thương, mụn nhọt lở ngứa.

Dược liệu có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn, hạ huyết áp, bảo vệ gan, hạ đường huyết và natri máu, bảo vệ thần kinh.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khuyến cáo người dân khi muốn sử dụng thuốc nam, thuốc đông y để chữa bệnh thì cần phải nhớ rằng, thuốc đông y cũng giống như thuốc tây y, đều phải do thầy thuốc khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định, kê đơn phù hợp với loại bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn