MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cắt amidan cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Chấm dứt ngộ nhận về cắt amidan cứ khám là cắt

L.Hà LDO | 29/09/2017 18:59
Chỉ định cắt amidan không quá xa lạ. Lâu nay, nhiều người đi khám có chỉ định cắt amidan là cắt. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Không tùy tiện “xử” amidan

Nhiều người nghĩ phẫu thuật amidan đơn giản nhưng theo BS Trần Thu Thủy - khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương: Không nên cắt amidan tuỳ tiện. Cắt amidan sẽ chỉ được bác sĩ tai mũi họng đề cập sau quá trình bệnh lý kéo dài, bao gồm viêm VA/amidan tái đi tái lại nhiều lần, gây biến chứng gần và xa; VA/amdian phì đại khiến phải thở bằng miệng, nghẹt mũi, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, ngừng thở khi ngủ...

Chỉ nên cắt amidan khi viêm amidan mạn tính, tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm) làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhi. Tuy nhiên, chỉ tính các đợt viêm amidan được bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, không tính các đợt do người bệnh tự chẩn đoán. 

Cũng theo BS Trần Thu Thuỷ, amidan không có “tội”, thậm chí còn có lợi. Không phải mọi trường hợp viêm amidan đều phải phẫu thuật cắt bỏ.

Viêm amidan không gây biến chứng là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp hình thành miễn dịch, chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa.

Để tránh lạm dụng, quyết định nạo cắt amidan cần được thực hiện đúng quy trình, bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và nội soi, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định phẫu thuật.

Nhiều biến chứng đe doạ

Cũng như với bất kỳ ca phẫu thuật nào, cắt amidan đi kèm một số nguy cơ như chảy máu sau mổ, nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật và gây mê. Người bệnh có thể có phản ứng dị ứng hay rối loạn hô hấp liên quan tới gây mê, cần báo cáo với bác sĩ nếu bệnh nhân có dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong hoặc biến chứng sau khi cắt amidan, trong đó 2 lý do hay được đề cập: Chảy máu nhưng không được xử lý kịp thời và do gây mê. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể mang bệnh sẵn trong người như tim mạch, lao phổi... nhưng các xét nghiệm thường quy không phát hiện được.

"Bệnh nhân trước khi có chỉ định phẫu thuật sẽ được kiểm tra về tình trạng sức khỏe, bệnh sử... Ngay cả khi đã phẫu thuật xong, quá trình sau phẫu thuật cũng tiềm ẩn nguy cơ. Khi bệnh nhân được chuyển sang phòng hậu phẫu, các kỹ thuật viên có thể do chủ quan nên đã rút ống nội khí quản sớm hơn so với sự hồi phục lẫn phản xạ của bệnh nhân.

Sau khi rút ống nội khí quản, trong một thời gian ngắn bệnh nhân vẫn có thể tự thở do lượng ôxy trợ thở trong lúc phẫu thuật vẫn còn sót lại. Tuy nhiên, sau khi cạn lượng ôxy này, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái hôn mê sâu và nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm…", BS Thủy cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn