MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ khám răng cho bệnh nhân. Ảnh: NGUYỄN LY

Chăm sóc răng miệng - việc quan trọng ngày Tết

Nguyễn Ly LDO | 11/02/2024 21:52

Cao bám nhiều ở nướu dưới, chân răng và màu đỏ nâu - cao răng huyết thanh, chứa nhiều vi khuẩn, gây viêm nướu, biến chứng viêm nha chu nặng, nguy cơ mất răng.

Lấy cao răng bằng thủ thuật ít đau, không xâm lấn

Anh Trần Mỹ (34 tuổi, TPHCM) suốt một thời gian dài sống trong tình trạng đau răng nhiều, vùng nướu hai bên hàm dưới sưng đỏ, rỉ máu, có hai răng lung lay. Người bệnh cho biết, hơn 1 năm trước, tại một phòng khám nha, anh được chẩn đoán có vôi răng (hay cao răng) và viêm nha chu, điều trị bằng cạo vôi răng. Lần cạo vôi răng này anh bị chảy máu nhiều, đau và khó chịu nên không đi tái khám.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Châu Bản - Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết, người bệnh có cao răng mức độ 4, cấp độ nặng nhất. Cao bám nhiều ở nướu dưới, chứa nhiều vi khuẩn, gây viêm nướu, biến chứng viêm nha chu nặng, nguy cơ mất răng.

Anh Mỹ được chỉ định cạo vôi răng, kết hợp kháng sinh, kháng viêm uống. Bác sĩ Bản giải thích viêm nha chu do vôi răng, nếu không điều trị dứt điểm bệnh sẽ tái lại nhiều lần.

Cũng theo các bác sĩ, uống thuốc giảm đau chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời và không thể để răng hỏng rồi nhổ bỏ. Người bệnh đồng ý thực hiện thủ thuật cạo vôi răng bằng sóng siêu âm ít xâm lấn, ít đau.

Hiện, sau 1 tuần tái khám, tình trạng viêm nha chu đã giảm. Người bệnh hết đau, sưng, các mảng cao răng được cạo sạch hoàn toàn nhưng cần cạo vôi răng định kỳ mỗi 3-4 tháng để ngăn bệnh tái phát. Tình trạng răng lung lay đang tiếp tục được theo dõi.

Những mảng bám gây sâu răng, hôi miệng

Các chuyên gia về nha khoa cho hay, cao răng là mảng bám đã bị vôi hóa bởi các khoáng chất trong nước bọt, hình thành bên dưới và trên đường viền nướu.

Theo thời gian, cao răng trở nên sẫm màu, cứng, dày hơn và khó loại bỏ. Không được loại bỏ và vệ sinh đúng cách, các loại vi khuẩn trong vôi răng sẽ tấn công, làm mòn, hỏng men răng. Khi tổn thương men đến mức không thể hồi phục, vi khuẩn tấn công sâu vào trong răng, gây ra sâu răng, hôi miệng.

Các mô mềm quanh răng như nướu, nha chu… cũng ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vôi răng. Mảng bám gây ra các bệnh về nướu, nhẹ nhất là viêm nướu gây sưng đau, đỏ, chảy máu. Nếu không điều trị, vôi răng hình thành nhiều hơn và tồn tại dai dẳng.

Viêm nướu tái lại nhiều lần sẽ hình thành các túi giữa nướu và răng do nhiễm vi khuẩn, tiến triển thành bệnh nha chu. Vôi răng cũng làm cho nướu thô, xốp, giảm độ bám dính vào răng, tụt sâu xuống làm răng hở kẽ, lộ chân.

Theo bác sĩ Châu Bản, khi bị bệnh nha chu, hệ thống miễn dịch sẽ có những phản ứng để chống lại vi khuẩn, khiến tình trạng viêm nướu nặng hơn. Điều này khiến nướu sưng tấy, viêm đỏ, chảy máu, chảy mủ, tiêu xương ổ răng và các mô giữ răng, dẫn đến lung lay, mất răng.

Vòng lặp luẩn quẩn giữa cao răng, viêm nướu, nha chu, sưng đau răng miệng, rụng răng sẽ xảy ra nếu người bệnh không điều trị dứt điểm.

Cao răng và biến chứng của bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng tác động lớn tới chất lượng sống, giao tiếp và tâm lý của người bệnh. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cạo vôi răng 6 tháng một lần. Riêng những trường hợp bị bệnh nha chu nên cạo mỗi 3-4 tháng. Vôi răng tốt nhất nên cạo khi chúng mới hình thành (giai đoạn 1-2), còn mềm, chưa sẫm màu, chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nướu.

Để làm chậm quá trình tạo vôi răng, bác sĩ Bản khuyến cáo đánh răng 2-3 lần mỗi ngày, nhất là sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Lúc chải răng nên chải theo chiều dọc răng, làm sạch cả thức ăn thừa ở kẽ răng. Không nên chải theo chiều ngang như kéo đàn vì sẽ làm mòn cổ răng. Đồng thời, cần hạn chế hút thuốc lá, uống cà phê, thức ăn nhiều đường và tinh bột.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn