MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chỉ mặt các loại thức ăn có thể gây dị ứng cho trẻ em

Hữu Long LDO | 15/06/2021 08:00

Ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp các biểu hiện dị ứng thức ăn, đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Một người thậm chí có thể bị dị ứng với một loại thực phẩm mà họ từng ăn trong nhiều năm mà không có vấn đề gì.

Biểu hiện của dị ứng thức ăn

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện 199, Bộ Công an, dị ứng thức ăn là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch cơ thể với một hoặc nhiều loại chất cấu tạo nên thức ăn theo cơ chế kháng nguyên – kháng thể để tạo ra các phản ứng quá mẫn.

Có khoảng 6% trẻ em và 3,7% người lớn dị ứng thức ăn. Các loại thức ăn thường gây dị ứng ở trẻ em gồm sữa bò (2,5%), trứng (1,3%), lạc (đậu phộng, 0,8%), lúa mì (0,4%), tôm cua (0,1%)… trong đó, tỉ lệ dị ứng lạc đang có xu hướng tăng. Người trưởng thành chủ yếu bị dị ứng với hải sản, hạt cây…

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng có thể liên quan đến da, đường tiêu hóa, hệ tim mạch và đường hô hấp như nổi sẩn phù, ban đỏ, ngứa nhiều trên da; nôn mửa và/hoặc đau dạ dày; khó thở, thở khò khè, thở rít; khàn tiếng, khó nuốt; phù lưỡi gây khó nói, khó thở; da nhợt nhạt, lạnh; sốc phản vệ (suy tuần hoàn, hô hấp).

Một loại phản ứng dị ứng thức ăn chậm khác được biết đến với tên gọi “hội chứng viêm ruột do protein thức ăn” (FPIES) biểu hiện bằng một loạt triệu chứng tại đường tiêu hóa nghiêm trọng, thường xảy ra từ 2-6 giờ sau khi bệnh nhân ăn sữa, đậu nành hoặc một số loại ngũ cốc khác.

Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ lần đầu tiên tiếp xúc với những loại thức ăn này hoặc mới tập ăn dặm. Các triệu chứng của FPIES là nôn nhiều, đi phân lỏng có hoặc không kèm nhày máu và có thể dẫn đến mất nước. Vì những triệu chứng này giống với các triệu chứng của bệnh đường ruột do virus hoặc vi khuẩn, nên việc chẩn đoán FPIES có thể chậm trễ.

Nếu nghi ngờ bị dị ứng thức ăn, việc đầu tiên bạn cần ngưng dùng ngay loại thức ăn đó và đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - người sẽ khai thác các thông tin về tiền sử dị ứng và cho phép chỉ định các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và điều trị.

Làm gì để hạn chế nguy cơ dị ứng thức ăn?

Nếu trẻ đã có tiền sử dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, bạn luôn cần ghi nhớ nó và các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng chéo với nó. Khi đi mua thức ăn, bạn luôn cần đọc kỹ thành phần thực phẩm, để chú ý xem trong hỗn hợp các thành phần bao gồm cả chất phụ gia và hương liệu có nguy cơ bị dị ứng hay không...

Một số trường hợp khó khăn, bạn hoàn toàn có thể tham vấn trực tiếp các bác sĩ chuyên khoa dị ứng.

Trước lo lắng của nhiều người về việc liệu trẻ có bị dị ứng vĩnh viễn với một vài loại thức ăn hay không? Theo các bác sĩ ở Bệnh viện 199, việc này có thể hoặc không.

Cụ thể, dị ứng với sữa, trứng, lúa mì và đậu nành có thể biến mất theo thời gian, trong khi dị ứng với lạc, hạt cây, cá và động vật có vỏ có xu hướng kéo dài suốt đời.

Để điều trị dị ứng thức ăn cho trẻ, bạn có thể cần bác sĩ chuyên khoa Dị ứng kê đơn về nhà thậm chí phải nhập viện điều trị nếu các triệu chứng đe dọa tính mạng như nguy cơ xuất hiện phản vệ độ 2 trở lên.

Với trường hợp sốc phản vệ - phản vệ độ 3, adrenalin là thuốc đầu tay, kháng histamine và glucocorticoid được cân nhắc dùng phối hợp để bổ trợ.

Hiện nay với những trẻ bị dị ứng với lạc, nguy cơ dị ứng rất cao và thường xuyên tái diễn vì lạc có trong thành phần của rất nhiều sản phẩm đóng hộp và các món ăn tại cửa hàng, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu để trẻ có thể ăn được lạc mà không bị dị ứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn