MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Môi của bệnh nhân bị sưng phồng, căng cứng sau tiêm filler. Ảnh: BVCC

Chữa bệnh, làm đẹp theo chuyên gia mạng, tiền mất tật mang

Hà Lê LDO | 16/11/2023 19:31

Trào lưu chữa bệnh, làm đẹp trên mạng ngày càng rầm rộ. Tuy nhiên, đẹp chưa thấy, bệnh không khỏi, chỉ thấy người bệnh gánh hậu quả.

Tai nạn từ đam mê làm đẹp

ThS.BS Nguyễn Ngọc Oanh - Khoa Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, ngày càng có nhiều ca biến chứng tìm đến bệnh viện điều trị sau khi học theo các trào lưu làm đẹp, chăm sóc da trên mạng xã hội.

Mới đây nhất, một nữ bệnh nhân đến khoa Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai) để điều trị sẹo lõm sau trứng cá. Trước đó, bệnh nhân đi nhiều cơ sở không bảo đảm tiêu chuẩn làm thẩm mỹ, sử dụng các biện pháp xâm lấn như lăn kim, laser vi điểm... nhưng tình trạng sẹo không cải thiện.

Hiện nay, chỉ cần tìm kiếm từ khóa về làm đẹp trên các nền tảng mạng xã hội, ví dụ "trẻ hóa da, trị nám tại nhà" sẽ nhận được hàng loạt các clip hướng dẫn từ cách tự chăm sóc cho đến sử dụng những hoạt chất cần sự chỉ định của bác sĩ.

Một biện pháp làm đẹp khác cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đó là peel da. Tuy nhiên, BS Oanh cảnh báo, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm peel da, vì vậy, việc tự mua và thực hiện tại nhà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Muốn có một gương mặt trẻ trung, chị N.Q.H (32 tuổi, ở Hà Nội) đã tìm đến dịch vụ tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ được quảng cáo trên mạng để xóa nếp nhăn và làm căng da. Tuy nhiên, sau khi tiêm, toàn bộ vùng má, mũi của chị H bắt đầu sưng, uống kháng sinh cũng không đỡ. Đến khi vùng mũi tiết dịch, chảy mủ…, chị H. mới tá hỏa tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để thăm khám.

Một trường hợp khác, cô gái 22 tuổi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng tím toàn bộ phần cánh mũi, rãnh mũi môi, và môi trên bên trái do tiêm làm đầy rãnh mũi môi (rãnh cười), có mụn nước, mụn mủ, sưng nề, đau tức nhiều.

Nhưng rất may, bệnh nhân chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên, đến viện kịp thời tiêm thuốc giải nên chỉ 1 ngày sau, các mụn đã xẹp đi, hồi phục da. Một tuần, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn. Nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời, sẽ bị hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi. Ngoài ra, bệnh nhân may mắn không gặp phải biến chứng mất thị lực hoàn toàn do bị tiêm sai kỹ thuật vùng này.

Cảnh báo nhiều nhưng khách hàng không sợ

Thực tế cho thấy, trước nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng ở cả phái nữ và nam, các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện "mọc lên như nấm". Sự phát triển của nhiều loại hình quảng cáo khiến nhiều người "hoa mắt" và cuối cùng mất tiền oan.

Bệnh nhân tiêm filler vào dái tai. Ảnh: BVCC

GS.TS Trần Thiết Sơn - Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai - có lời khuyên: Khi lựa chọn cơ sở làm đẹp, mỗi người nên chọn phòng khám chuyên khoa tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, có phòng mổ với quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Điều này sẽ hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Những phẫu thuật nhỏ có thể thực hiện tại các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, đó phải là nơi được Sở Y tế hoặc Cục Quản lý Khám chữa bệnh cấp phép, có các danh mục kỹ thuật được duyệt, và các phẫu thuật đó phải do bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thực hiện.

Với những ca phẫu thuật lớn, có chỉ định gây mê như các phẫu thuật hút mỡ tạo hình thành bụng, làm mũi cấu trúc, căng da mặt, đặt túi ngực,... bắt buộc phải làm ở bệnh viện vì những kỹ thuật này đòi hỏi khâu gây mê và vô trùng nghiêm ngặt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn