MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trà giảm cân, tan mỡ x2 của Công ty TNHH SX TM DV Hoài Thương Organic (ảnh chụp lại từ website của công ty quảng cáo sản phẩm)

Chưa cấp phép, thực phẩm chức năng đã tung hoành

LH LDO | 08/08/2018 19:30

Sản phẩm chức năng chưa cấp phép đã tung hoành trên thị trường, trang web quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đảm bảo an toàn... - thực trạng này đang diễn ra, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Ra thị trường dù chưa được cấp phép 

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo, trên thị trường xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hoài Thương Organic (Đồng Nai) chưa được Cục cấp phép nhưng đã có mặt trên thị trường.

2 sản phẩm là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bột thảo dược tăng cân đẹp da x2” sản xuất ngày 24.5.2018, HSD 25.11.2019, lô 0015018/007288, có dạng bột. Công dụng ghi: “Tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe; tăng cân cho người suy dinh dưỡng, gầy yếu; thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố...

Sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên thảo dược Giảm cân tan mỡ x2” sản xuất ngày 26.7.2018, HSD 25.8.2019, lô 000010708, có dạng viên nén. Công dụng ghi: “Detox thanh lọc cơ thể; thúc đẩy quá trình giảm cân; giúp da dẻ hồng hào từ bên trong; kích sữa, lợi sữa cho phụ nữ đang cho con bú...".

Cục An toàn thực phẩm cho biết cả 2 chưa được Cục cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Cảnh báo các trang web quảng cáo thực phẩm chức năng có thể không an toàn

Bên cạnh đó còn có tình trạng xuất hiện một số website quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo. Những trang website quảng cáo không phải do công ty sở hữu công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thực hiện. Do đó, các sản phẩm đang quảng cáo tại các website trên có thể không đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Giả danh cả bác sĩ tư vấn thực phẩm chức năng

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: Gần đây còn xuất hiện tình trạng rất nguy hiểm là nhân viên bán thực phẩm chức năng (TPCN) giả danh là bác sĩ, dược sĩ để tư vấn sản phẩm…

"Tình trạng vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực TPCN hiện vẫn khá phổ biến. Một số hành vi mà các công ty kinh doanh, sản xuất TPCN hay sai phạm, đó là: sản xuất TPCN dù chưa công bố, ghi nhãn sai hoặc gây hiểu lầm giống thuốc chữa bệnh, hay một số công ty đã thay đổi địa điểm sản xuất kinh doanh mà không thông báo lại với cơ quan quản lý...", TS Phong nói.

Đặc biệt, đang xuất hiện tình trạng rất nguy hiểm là nhân viên tư vấn giả danh là bác sĩ, dược sĩ để tư vấn và bán TPCN. Đáng cảnh báo là bản thân các tư vấn viên này không có kiến thức về y tế, nhưng khi tư vấn còn nói quá lên về mức độ nguy hiểm của căn bệnh mà khách hàng đang nhờ tư vấn, nhằm gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.

“TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, TPCN tuyệt đối không được ghi nhãn là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người” - ông Phong nói.

Chỉ thị 17 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thanh tra với các hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng với mặt hàng dược mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn