MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện Tổng cục Dân số KHHGĐ trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: T.LINH

Chuyển dần bệnh viện trung ương, bộ, ngành về địa phương quản lý

THÙY LINH LDO | 18/10/2017 06:50
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII đã thông qua nội dung cơ bản của Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Chiều 17.10, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin về Nghị quyết Trung ương về y tế và dân số. 

Khắc phục nhiều yếu kém

Báo cáo tóm tắt một số điểm nhấn mạnh, điểm mới trong Nghị quyết của Ban chấp hành TƯ khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, mặc dù đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa được quan tâm toàn diện. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hóa tinh thần… còn nhiều hạn chế.

Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chưa được khắc phục căn bản. Chưa quan tâm đúng mức tới y tế dự phòng, y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên chậm được khắc phục. Lợi thế của y, dược cổ truyền, dược liệu chưa được phát huy tốt...

Nói về các điểm mới trong nhiệm vụ, giải pháp của ngành y tế thời gian tới, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế - cho biết: “Ngoài việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ theo 3 tuyến ở cấp độ khác nhau: Chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3. Cấp chăm sóc ban đầu cung cấp các dịch vụ ngoại trú, dự phòng, nâng cao sức khỏe (thực hiện ở trạm y tế xã, phòng khám bác sĩ gia đình, phòng khám của bệnh viện, trung tâm y tế huyện). Chăm sóc cấp 2 cung cấp các dịch vụ điều trị nội trú cho các trường hợp cấp tính, mạn tính. Chăm sóc cấp 3 theo chuyên khoa sâu.

Bộ Y tế sẽ chuyển dần một số bệnh viện T.Ư, bệnh viện bộ, ngành về địa phương quản lý (trừ Bệnh viện Công an, Quân đội). Bộ Y tế chỉ giữ lại một số bệnh viện vừa nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gắn với cơ sở thực hành của sinh viên đại học”.

Về giải pháp trong vấn đề quản lý dược và trang thiết bị y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết: “Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ củng cố hệ thống phân phối thuốc, không để tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Tăng cường chỉ đạo thực hiện đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc.

Tập trung chấn chỉnh tình trạng bán thuốc phải kê đơn nhưng vẫn được bán không có đơn, không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để quản lý việc bán thuốc của các nhà thuốc trên toàn quốc...”.

Năm 2020 Việt Nam sẽ thiếu 4,3 triệu phụ nữ

Theo nội dung Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới, hiện mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số...

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình - cho biết: “Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra nghiêm trọng, ở nước ta, năm 2006, tình trạng này xuất hiện rõ ràng, xuất hiện muộn nhưng lại tăng rất nhanh. Hiện nay mất cân bằng lan rộng ra khắp các vùng, 5/6 vùng, trừ vùng Tây Nguyên, Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng là mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất, trên 115 bé trai/100 bé gái. Tổng cục Dân số chúng tôi không thể làm gì được, phải có hệ thống chính trị vào cuộc làm thay đổi toàn bộ hành vi, hệ thống”.

Nguyên nhân của tình trạng này là tâm lý ưa thích con trai, tình trạng lạm dụng các kỹ thuật, công nghệ, công cụ lựa chọn; hạn chế mức sinh cũng làm tăng lên việc lựa chọn giới tính khi sinh. Nếu cứ theo đà này, theo dự báo 2020, Việt Nam thiếu ít nhất là 2,3 triệu và nhiều nhất là 4,3 triệu phụ nữ. Dư thừa đàn ông trong độ tuổi này sẽ không lấy vợ được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn