MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi bị bệnh dại đang nguy kịch. Ảnh: Minh Tâm

Chuyên gia lý giải nguyên nhân bệnh dại tăng đột biến

Lệ Hà LDO | 18/03/2024 14:22

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi.

Số ca mắc bệnh dại tăng bất thường

TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: Theo thống kê, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8-9 trong năm. Tuy nhiên, năm nay sự gia tăng đột biến vào 2 tháng đầu năm. Có thể lý giải sự gia tăng các ca bệnh dại trên người có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng các ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 và đặc biệt từ đầu năm 2024 đến nay.

Theo báo cáo từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023.

"Một trong những giải pháp then chốt để ngăn ngừa bệnh dại lây sang người là tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo và quản lý chó mèo. Tuy nhiên, nước ta là một trong những nước có đàn chó, mèo nuôi tương đối lớn (khoảng 8 triệu con), các hộ gia đình thường nuôi thả tự do, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, miền núi. Điều này khiến cho việc quản lý đàn chó, mèo cũng như tiêm vaccine cho động vật gặp nhiều khó khăn", TS Hoàng Minh Đức cho hay.

E ngại khi tiêm phòng bệnh dại

Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025.

Các tổ chức quốc tế như WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc), WOH (Tổ chức Thú y thế giới) cũng khuyến cáo cần đạt tỉ lệ bao phủ vaccine phòng dại cho động vật ít nhất 70% trên tổng đàn trong 2 năm liên tiếp thì mới có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm bệnh dại sang người.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỉ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vaccine phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.

"Chi phí tiêm vaccine bệnh dại trên người và động vật là do người dân phải tự chi trả. Một liệu trình vaccine phòng dại trên người khoảng 1,5 triệu đồng là một chi phí tương đối lớn đối với người nghèo. Vaccine phòng dại cho động vật rẻ hơn nhưng phải tiêm hàng năm, vì vậy với những gia đình nuôi nhiều cũng là một khoản chi phí lớn.

Khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số chiếm tới 60% số ca tử vong do dại. Truyền thông phòng, chống bệnh dại vẫn còn hạn chế dẫn đến tình trạng chủ quan lơ là, khiến người dân không tiêm phòng huyết thanh kháng dại, vaccine phòng dại kịp thời sau khi bị động vật nghi dại cắn.

Một lý do khác nữa là người dân còn e ngại việc tiêm vaccine phòng dại, cho rằng vaccine phòng dại có nhiều tác dụng phụ. Thực tế, vaccine dại thế hệ mới hiện nay rất an toàn, có thể tiêm cho cả phụ nữ có thai và trẻ em ở mọi lứa tuổi", TS Hoàng Minh Đức đưa ra hạn chế trong việc tiêm phòng bệnh dại.

BS Đinh Thị Vân Anh - Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành nhiều năm nay ở hầu hết các tỉnh thành. Đây là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong hàng đầu, với tỉ lệ tử vong gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.

Bệnh dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người.

Tuy nhiên, bệnh dại cũng có thể ảnh hưởng đến cả động vật nuôi và động vật hoang dã. Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt, miệng hoặc vết thương hở). Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm.

Vaccine phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt, do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn