MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước sinh hoạt ở Hà Nội có "mùi lạ" mấy ngày gần đây. Ảnh: Anh Huy.

Chuyên gia phân tích các nguyên nhân khiến nước sinh hoạt có "mùi lạ"

An Tú LDO | 14/10/2019 15:11

Mấy ngày qua hàng vạn người dân đang sinh sống tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội... đang lo lắng khi nước sinh hoạt bốc mùi lạ. Trong khi đơn vị chức năng thông báo phải chờ cả tuần mới có kết quả kiểm nghiệm chất lượng.

Người dân sinh sống tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức... đang lo lắng khi nước sinh hoạt bốc mùi lạ.

 Người dân đã yêu cầu được làm rõ nguyên nhân nước bốc mùi. Ảnh chụp màn hình.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà  - đơn vị cung cấp nước cho biết đang phối hợp với đơn vị độc lập để kiểm tra chất lượng nước và dự kiến sau 7 ngày mới có kết quả kiểm tra chất lượng.

Trước thông tin này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA đã có chia sẻ kiến thức về ô nhiễm nước sinh hoạt qua “cảm quan về mùi” để người dân có thể chủ động bảo vệ sức khoẻ.

Theo đó, cụ thể có 3 nhóm mùi từ nước và nguyên nhân mà chúng ta có thể gặp phải từ nước sinh hoạt.

Chất tẩy, hóa chất hoặc dược liệu

Các nhà cung cấp nước công cộng thường khử trùng nước bằng clo để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Mức clo tự do thường có trong nước uống từ hệ thống nước công cộng là 0,2 - 2,0 phần triệu (ppm, part per million), mặc dù ở một số nơi có thể lên tới 5,0 ppm. Mùi do bổ sung clo thường biến mất nếu nước tiếp xúc với không khí trong vài phút.

Ngoài ra, việc thêm clo vào để tiệt trùng nước giếng hoặc làm sạch hệ thống ống nước cũng tạo ra mùi clo mạnh. Tuy nhiên, mùi thuốc tẩy sẽ mất khi clo tan và bốc hơi hoàn toàn. Do vậy, trong trường hợp này nên để vòi nước chảy ra bên ngoài và để nước chảy cho đến khi hết mùi trong hệ thống.

Trong một số trường hợp, clo được thêm vào có thể tương tác với các vật liệu hữu cơ được tích hợp trong hệ thống ống nước và gây thêm mùi vào nước. Mùi hôi sẽ biến mất sau khi cho nước chảy trong vài phút.

Mùi trứng ung (lưu huỳnh), mùi hôi hoặc mùi giống như nước thải

Thông thường, sự xuất hiện các mùi này là do nhiễm khuẩn. Hoạt động của các vi khuẩn này thường sinh ra khí hydrogen sulfide (H2S) có mùi như trứng ung.

Để kiểm tra vị trí nhiễm khuẩn người ta thường làm các cách sau:

  • Xác định khuẩn ở trong nguồn nước hay ở trong hệ thống thải bằng cách đổ đầy một ly nước từ bồn rửa có mùi, sau đó bước ra khỏi bồn và quậy ly nước vài lần. Nếu vấn đề là từ hệ thống xả, nước trong ly sẽ không có mùi và bạn phải làm sạch hệ thống thải. Ngược lại, nếu nước xả có mùi thì bạn phải kiểm tra tiếp…
  • Kiểm tra vòi nước nóng lạnh, nếu mùi hôi chỉ từ vòi nước nóng thì có thể hệ thống làm nóng nước đã bị nhiễm khuẩn.
  • Nếu mùi hôi từ vòi nước lạnh thì khả năng rất cao là sự nhiễm này bắt nguồn từ nguồn nước! Cần phải ngưng sử dụng nước và thông báo ngay đến đơn vị cung cấp nước để xử lý kịp thời.

Mùi dầu mỏ, xăng, nhựa thông, mùi giống như nhiên liệu hoặc dung môi

Hiện tượng này hiếm xảy ra trong nước sinh hoạt, tuy nhiên nếu xảy ra thì nó chứa đựng nguy cơ nghiêm trọng. Mùi này có thể là do các nguyên nhân sau làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước của bạn:

- Bể chứa nhiên liệu bị rò rỉ gần đó.

- Nguồn xả thải từ các nhà máy hoặc bãi chôn lấp.

- Nước thải từ các hoạt động nông nghiệp.

Theo đề xuất của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, các cơ quan chức năng liên quan cần xác định sớm nhất nguồn gây nhiễm và phạm vi tác hại để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn