MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia tâm lý nói về việc bé trai tự "hành xác" 10 ngón tay

PV LDO | 04/09/2017 14:04
Thời gian gần đây, dư luận dậy sóng về bà mẹ Đ.T.N (Hà Nội) chia sẻ việc bác sĩ kết luận con trai bị tự kỷ, sợ đám đông, dẫn đến việc cắn cụt 10 đầu móng tay. Nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý đã lên tiếng xác minh thông tin trên.

Mới đây, Báo Lao Động đăng tải bài viết “Con tự “hành xác” 10 ngón tay, mẹ chết lặng trước kết luận của bác sĩ”. Trong bài viết, chị Đ.T.N (Hà Nội) chia sẻ về kết luận bác sĩ “cháu bị tự kỷ sốc tâm lý, chứng sợ đám đông dẫn đến việc cắn cụt móng tay và không biết đau”.

Theo chị Đ.T.N, nguyên nhân do con chị có thể do bị thiếu chất từ nhỏ, dẫn đến không phát triển đồng đều và không chịu được áp lực. Thêm vào đó, việc cha mẹ hay quát mắng, đặt kì vọng nhiều vào con nên dẫn đến tình trạng trên.

Sau khi bà mẹ Đ.T.N chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều độc giả có những ý kiến trái chiều xoay quanh thông tin chị Đ.T.N chia sẻ.

Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội - cho biết, tự kỷ hay được gọi là rối loạn tự kỷ, là một chứng rối loạn phát triển đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt quan hệ nhân sinh, giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi sở thích hạn chế, lặp đi lặp lại... Tự kỷ có rất nhiều nguyên nhân và thông tin mà bà mẹ Đ.T.N cung cấp chưa chính xác, không đủ dữ liệu để kết luận một đứa trẻ bị mắc tự kỷ.

Bên cạnh đó, TS. Trần Văn Tính - Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết, những dấu hiệu bậc phụ huynh trên cung cấp không đủ căn cứ để chẩn đoán là trẻ mắc chứng tự kỉ hay bất kì rối loạn nào. Để xác định chính xác có mắc chứng tự kỷ hay không, bé cần được kiểm tra theo dõi dài ngày.

Nguyên nhân chứng tự kỷ không phải do bố mẹ quát mắng trẻ. Tự kỷ là rối loạn do những nguyên nhân sinh học nhiều hơn, do đó không đưa ra chẩn đoán như trên được. Việc khẳng định trẻ bị sốc tâm lý cũng chưa chính xác.

Lúc này, để có thể kết luận rõ ràng về trường hợp của bé, chuyên gia tâm lý cần có thông tin chi tiết hơn về lịch sử phát triển của bé, tất cả biểu hiện hiện tại và mối quan hệ xung quanh... của bé, TS Trần Văn Tính cho biết thêm.

Về trường hợp của chị Đ.T.N, phụ huynh cần đến gặp chuyên gia tâm lý và bác sĩ để cùng phối hợp, thảo luận, từ đó, có căn cứ để đưa ra kết luận cuối cùng và phương hướng trị liệu phù hợp cho bé.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn