MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên Bệnh viện Việt Đức tham gia hiến máu tình nguyện.

"Cò" máu ở BV Việt Đức: Giám đốc nói không có quy định người nhà cho máu mới được mổ

L.Hà LDO | 24/10/2018 08:00
"Chợ máu" trước cổng Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội khá sôi động. Khi người nhà bệnh nhân cần máu “trả” cho bệnh viện thì “cò” máu sẽ lập tức xuất hiện, cần bao nhiêu máu cũng có. Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đã lên tiếng.

Bán máu, "cò"  trả 200-300 nghìn đồng

Theo một số thông tin, hoạt động mua bán máu diễn ra ngang nhiên và tồn tại đã lâu trước cổng Bệnh viện Việt Đức. Quy trình khép kín trong giao dịch mua-bán công khai này. 

Mỗi lần bán máu, người bán sẽ được “cò” máu trả từ 200 - 300 nghìn đồng. Người bán máu có cả sinh viên. Có những sinh viên một tháng có thể bán máu vài lần, chỉ cần để lại số điện thoại và chờ chuông, đội “cò” máu có thể alo bất kỳ lúc nào.

Trước thông tin trên, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội - cho biết: Trung tâm truyền máu Bệnh viện Việt Đức là một trung tâm lớn thực hiện đồng thời các nhiệm vụ lấy, chiết tách các thành phần máu, lưu trữ bảo quản và cung cấp máu cùng các chế phẩm máu phục vụ điều trị bệnh nhân.

Không ít ca bệnh hiểm nghèo mà người bệnh cần sử dụng lượng máu lớn. Đơn cử như bệnh nhân Phan Văn Kh, mổ ngày 13.10 vừa qua, bị chấn thương gan nặng cần tới 50 đơn vị máu, bệnh viện đều đáp ứng đủ.

Nguồn máu bệnh viện tiếp nhận đến từ nhiều nguồn như hiến máu tình nguyện, tiếp nhận từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tiếp nhận máu tại điểm hiến máu cố định... Tuy nhiên, nhu cầu máu cho điều trị của bệnh viện là rất lớn. 

Khi lượng máu dự trữ cạn kiệt, không thể đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị, Trung tâm truyền máu của bệnh viện đã vận động người thân của người bệnh cùng nhân viên y tế tham gia hiến máu tình nguyện.

Ngoài ra, Trung tâm truyền máu còn tiến hành huy động máu từ nhiều nguồn. Lợi dụng tình trạng trên, đội ngũ “cò máu” đã xuất hiện để lợi dụng, thậm chí lừa đảo người bệnh. 

Bệnh viện Việt Đức lên tiếng

GS.TS Trần Bình Giang khẳng định: "Không có trường hợp nào không được phẫu thuật nếu không có người nhà hiến máu tình nguyện. Bệnh viện không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật.

Không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp "cò" máu. Tất cả những trường hợp "cò" máu khi bệnh viện phát hiện đều tiến hành giao cho cơ quan công an để xử lý theo pháp luật.

Nếu trong trường hợp cần nhóm máu hiếm đòi hỏi người cho phải cùng huyết thống hoặc người nhà tình nguyện hiến máu khi nguồn cung không đủ".

Bệnh viện Việt Đức cũng đưa ra giải pháp giải quyết nạn "cò" máu như lực lượng chức năng của bệnh viện ngăn chặn không cho "cò" máu tiếp cận với người bệnh; Các khoa điều trị phối hợp vận động người nhà người bệnh hiến máu đồng thời yêu cầu người nhà không tiếp xúc với các đối tượng "cò"; Trung tâm Truyền máu xây dựng quy trình duyệt máu giảm thiểu các thủ tục hành chính tạọ thuận lợi cho người nhà người bệnh khi làm thủ tục dự trù và lĩnh máu; Bệnh viện đặt cảnh báo bằng âm thanh, tờ rơi để cảnh báo người nhà người bệnh về tình trạng lừa đảo "cò" máu...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn