MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: BVCC

"Công xưởng máu" lớn nhất miền Bắc cung cấp 1.600 đơn vị chế phẩm máu mỗi ngày vẫn không đủ

Thùy Linh LDO | 07/08/2018 13:33
Nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị ngày càng tăng cao, lượng máu tiếp nhận còn thiếu so với nhu cầu.

Theo thống kê từ Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong 7 tháng đầu năm 2018 (từ 1.1 đến 31.7), viện đã cung cấp 341.789 đơn vị chế phẩm máu các loại tới 170 bệnh viện, trong đó 57% là khối hồng cầu (193.163 đơn vị), 45% là nhóm máu O. Trung bình mỗi ngày 1.612 đơn vị chế phẩm máu đã được sử dụng cho cấp cứu và điều trị.

Trong khi đó, cũng trong 7 tháng đầu năm, Viện tiếp nhận được 179.508 đơn vị máu, tương đương 846 đơn vị mỗi ngày. Nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị ngày càng tăng cao, lượng máu tiếp nhận được có thời điểm còn thiếu so với nhu cầu.

Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mỗi ngày thường xuyên có khoảng 1.200 bệnh nhân điều trị nội trú, tổng lượt người bệnh điều trị nội trú tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Lượng máu tiếp nhận có ngày đạt 2.000 đơn vị máu, nhưng có ngày chỉ tiếp nhận dưới 100 đơn vị. Lịch hiến máu không đều giữa các ngày đã gây khó khăn cho công tác tiếp nhận máu: Thiếu nhân lực trong những ngày nhiều lịch, số lượng máu lớn, gây ảnh hưởng đến công tác đón tiếp, tư vấn và chăm sóc người hiến máu.

Theo TS. BS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, mặc dù các cơ quan, đơn vị và cộng đồng đã có nhiều nỗ lực để tổ chức các ngày hiến máu tại đơn vị mình nhưng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị ngày càng tăng cao. Chính vì thế, chúng tôi kêu gọi cộng đồng, nhất là những người nhóm máu O tích cực tham gia hiến máu ngay và hiến máu thường xuyên khi đủ điều kiện.

"Chúng tôi cũng kêu gọi Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan tổ chức ngày hiến máu tại đơn vị mình vào các thời điểm có thể xảy ra tình trạng khan hiếm máu như tháng 9, tháng 12 tới”- BS Khánh nói. 

Tại sao phải đưa máu vào "công xưởng"?

Từ máu của người cho đến khi có máu vào ven người nhận phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là tuyên truyền vận động, lấy máu, sàng lọc, phân tách, bảo quản, lưu trữ, mang đến từng bệnh viện. Tất cả các công đoạn tốn rất nhiều kinh phí.

Truyền máu không phải truyền thẳng từ người cho sang người nhận mà phải qua quy trình làm việc ngày đêm của các bác sĩ, kỹ thuật viên nên bệnh viện chi phí rất tốn kém.

Sau khi xét nghiệm nhóm máu, các nhân viên sẽ tiến hành thực hiện xét nghiệm sàng lọc. Bộ Y tế quy định bắt buộc sàng lọc với 5 bệnh truyền nhiễm là: HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai và sốt rét. Xét nghiệm Rh để phân loại nhóm máu.

Nếu các kết quả xét nghiệm đều đảm bảo máu tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm, máu sẽ được đưa vào máy li tâm, từ đó để chiết tách thành các thành phần máu khác nhau như: Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương.

Khi vận chuyển vào kho, máu sẽ được bảo quản trong những dây chuyền lạnh tại Khoa Lưu trữ và phân phối máu của Viện. Máu thành phẩm sẽ phục vụ điều trị cho bệnh nhận tại Viện Huyết học và phân phối cho hàng trăm bệnh viện tỉnh, thành khu vực miền Bắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn