MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cúc hoa- dược liệu có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, điều hòa miễn dịch, bảo vệ gan. Đồ họa: Hương Giang

Cúc hoa - dược liệu chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, bảo vệ gan

Thùy Linh LDO | 17/08/2023 22:00

Cúc hoa là dược liệu có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, bảo vệ da, điều hòa miễn dịch, bảo vệ gan.

Theo ThS-BS Nguyễn Đình Thục - Tổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam, Cúc hoa là 1 trong số 23 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.

Cúc hoa có tên gọi khác là Cúc hoa vàng, Kim cúc, Dã cúc, Khổ ý.

Tên khoa học: Chrysanthemum indicum L.

Họ thực vật: Cúc - Asteraceae.

Đặc điểm hình thái: Cây thảo, sống nhiều năm, phân cành nhiều, cao tới 60 cm. Vỏ thân và cành già màu xám có vết nứt dọc, ngọn và cành non màu xanh, có lông nhỏ.

Lá có cuống, mọc so le, phiến lá thường chia thành 5 thùy, mép có răng cưa, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới hơi bạc màu.

Cụm hoa đầu, hình bán cầu, đường kính 1,2 - 1,7 cm, màu vàng, mọc ở đầu cành hay kẽ lá gần đầu cành. Tổng bao lá bắc, hình vảy nhọn đầu, gồm 4 hàng. Hoa cái ở vòng ngoài hình lưỡi nhỏ; các hoa lưỡng tính ở trong, hình ống, đầu xẻ 5 thùy, núm nhụy có lông tơ. Quả bế, hình trụ, dài khoảng 1,5 mm, không có mào lông.

Mùa hoa quả: Tháng 9 - 11. Mùa thu hái và cách thu hái: Khi hoa nở rộ. Hái cả cụm hoa, sau đó cần phơi hay sấy ngay (ở nhiệt độ 50 - 60°C), đến khô.

Hiện nay Cúc hoa thường được sấy nhanh, bởi công nghệ sấy lạnh ở áp suất cao, dược liệu khô vẫn giữ nguyên màu vàng và mùi thơm đặc trưng.

Phân bố và sinh thái: Cúc hoa là cây trồng lâu đời ở một số địa phương, thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ để làm thuốc. Cây cũng được trồng làm cảnh ở khắp nơi. Cúc hoa cũng là cây thuốc trồng lâu đời ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Cúc hoa là cây ưa ẩm và ưa sáng. Cây được trồng thuần loại trên đất vốn trồng lúa và hoa màu. Cây trồng vào tháng 6- 7, trồng bằng nhánh, tách ra từ gốc, đến tháng 9 hoặc tháng 10 cho thu hoạch hoa.

Cây có hiện tượng bán tàn lụi vào mùa đông và từ gốc sẽ mọc lên nhiều chồi vào đầu năm sau.

Bộ phận dùng: Cụm hoa khô (Flos Chrysanthemi indici).

Thành phần hóa học: Thành phần chính của Cúc hoa là tinh dầu, carotenoid, sesquiterpen và flavonoid.

Tinh dầu chứa chủ yếu alpha và beta pinen. Các carotenoid bao như chrysanthemoxanthin. Còn flavonoid bao gồm acaciin, luteolin, glucopiranoid và chrysanthemin.

Ngoài ra, còn có các acid phenolic như acid chlorogenic…

Công dụng: Dùng trong các trường hợp tăng huyết áp, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, cảm nhiệt, đau mắt đỏ, chảy nước mắt, đinh độc, mụn nhọt, sưng đau.

Tính vị, quy kinh: Cam, vi khổ, lương. Vào kinh Phế, Thận, Can. Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, tán phong nhiệt, thanh Can minh mục.

Liều lượng, cách dùng: 8 - 30 g/ngày, thuốc sắc, thuốc bột.

Chú ý: Không dùng cho người Tỳ hư, tiêu chảy.

Cúc hoa là dược liệu có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, bảo vệ da, điều hòa miễn dịch, bảo vệ gan.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - khuyến cáo, người dân khi muốn sử dụng các loại dược liệu, thuốc nam, thuốc đông y để chữa bệnh thì cần phải nhớ rằng, thuốc đông y cũng giống như thuốc tây y, đều phải do thầy thuốc khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định, kê đơn phù hợp với loại bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn