MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ động phòng tránh cúm A/H1N1 lây lan

Cúm A/H1N1 không nguy hiểm nhưng biến chứng đe doạ tính mạng

LH LDO | 03/06/2018 16:48
Cúm A/H1N1 tuy không nguy hiểm, nếu kịp thời phát hiện và điều trị người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, cúm A/H1N1 cũng có những biến chứng gây nguy hiểm cho người bệnh.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin: Bệnh cúm A/H1N1 chủng đại dịch năm 2009 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Cúm A/H1N1 bùng phát mạnh vào năm 2009 và có tốc độ lây lan rất nhanh.

Cũng theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên mắc cúm này ghi nhận ngày 26.5.2009. Bệnh bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2009. Sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, dịch bệnh được đẩy lùi trong các tháng đầu năm 2010, đến tháng 7.2010 Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch cúm A/H1N1 trên phạm vi toàn quốc.

Từ năm 2010 đến nay, cúm A/H1N1 lưu hành thường xuyên và rộng khắp ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam với các chủng virus cúm mùa khác.

Hiện nay, cúm A/H1N1 dễ dàng lây bệnh từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, những người nhiễm cúm A/H1N1 hay virus cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Trên thế giới, mỗi năm ghi nhận 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm.

Virus cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường. Đó là qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm virus cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, cốc uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A/H1N1.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

- Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.

- Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

- Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

- Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn