MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cựu lãnh đạo WHO: Cần áp dụng nguyên tắc “thứ hai, giảm thiểu tác hại”

PV LDO | 25/02/2022 15:57

Mặc dù khái niệm “giảm tác hại thuốc lá” vẫn còn khá xa lạ với đa số người Việt, nhưng thực tế, “giảm tác hại” lại là biện pháp được chính phủ các nước trên thế giới ứng dụng để giải quyết với “đại dịch” thuốc lá vốn đã tiềm ẩn nhiều thập kỷ nay.

Báo Lao Động xin lược dịch một phần nội dung bài viết khá thú vị của tác giả Tikki Pangestu về chủ đề này.

Giáo sư Tikki Pangestu là cựu Giám đốc chính sách nghiên cứu và hợp tác tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện đang là Giáo sư Thỉnh giảng tại Trường Y khoa Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore. Ông đã công bố trên 250 bài báo khoa học và 12 cuốn sách và là tác giả chính của một số báo cáo chính của WHO.

GS. Tikki Pangestu, cựu Giám đốc chính sách nghiên cứu và hợp tác tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Giảm tác hại, tác nhân mới thúc đẩy sức khỏe cộng đồng

Trong bài viết, Giáo sư Tikki đã dẫn lại câu nói nổi tiếng của bác sĩ Hy Lạp cổ đại Hippocrates: "primum non nocere", tạm dịch là "thứ nhất, không gây hại". Nguyên tắc này đã trở thành một trong những kim chỉ nam quan trọng của y học cho đến nay. 

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo WHO cho rằng, trong bối cảnh nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như hiện nay, lời kêu gọi ban đầu của Hippocrates cần được bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn. Theo đó, nên kèm thêm vế "thứ hai, giảm thiểu tác hại".  

Giáo sư cho rằng, minh họa rõ ràng và gần nhất cho ý tưởng này là vấn đề đại dịch COVID-19 với hơn 300 triệu trường hợp mắc bệnh và hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Đến nay, nhân loại đã trải qua hơn 2 năm sống chung với đại dịch và hiện vẫn chưa thấy điểm dừng. Theo đó, vaccine chính là “cứu tinh” để thắp lên hy vọng đại dịch sẽ chấm dứt. Những cải tiến chưa từng có và nhanh chóng để tìm ra vắc-xin, thuốc điều trị và chẩn đoán được phát triển trong thời gian kỷ lục, bỏ qua những quy trình thường quy thông thường mà ít nhất phải mất từ năm đến mười năm để được chấp thuận.

Đây là những ví dụ rõ ràng về các can thiệp, sự hợp tác của chính phủ đã có tác động rất lớn trong việc giảm thiểu tác hại nghiêm trọng do việc nhiễm COVID-19 gây ra.

Liên quan đến hoạt động giao thông, Giáo sư Tikki cho rằng giảm thiểu tác hại thể hiện ở việc sử dụng dây an toàn và mũ bảo hiểm xe máy. Hoạt động này bắt buộc ở nhiều quốc gia và đã có tác động tích cực đến việc giúp giảm tỉ lệ, mức độ nghiêm trọng và tử vong do tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến cả ô tô và xe máy, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Số liệu thống kế tại Việt Nam cho thấy, số người đi môtô, xe máy gây tai nạn giao thông chiếm 60%, số người đi xe máy là nạn nhân tai nạn giao thông là 85% (khoảng 7.000 người đi xe máy bị chết vì tai nạn giao thông mỗi năm). Việc mũ bảo hiểm đạt chuẩn giúp giảm 40% nguy cơ thương vong khi bị tai nạn giao thông, tương đương với việc giảm 2.800 người thương vong mỗi năm.

Nghiện ma túy là vấn đề sức khỏe và xã hội nghiêm trọng ở cả các nước giàu và nghèo và là một ví dụ khác mà các can thiệp giảm thiểu tác hại đã được sử dụng thành công nhằm giảm nhẹ gánh nặng. Các chương trình trao đổi kim tiêm an toàn ở nhiều quốc gia đã làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm các bệnh đe dọa tính mạng như HIV/AIDS và viêm gan C (HCV) ở người nghiện.

Được biết, chương trình trao đổi kim tiêm an toàn trong trại giam đã được triển khai rộng rãi khắp các tỉnh thành Việt Nam trong nhiều năm, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nhiễm HIV và số năm/người có nguy cơ nhiễm HIV.

Giảm tác hại thuốc lá: Cần nhưng chưa được nhìn nhận đúng nghĩa

Giáo sư Tikki cho rằng, trong khi các chính sách giảm thiểu tác hại nói trên đang được áp dụng tốt trên toàn thế giới, các chính sách tương tự liên quan đến các sản phẩm thuốc lá không khói thay thế thuốc lá điếu để giảm thiểu tác hại thuốc lá điếu lại đang thiếu vắng ở nhiều quốc gia, mặc dù sở cứ khoa học cho thấy dù vẫn còn rủi ro nhưng ở mức độ chấp nhận được và giá trị tiềm năng của các sản phẩm này trong việc giúp người hút thuốc loại bỏ được phần lớn các chất gây hại hơn so với tiếp tục hút thuốc lá điếu.

Vấn nạn hút thuốc vẫn là một vấn đề lớn và nan giải trên toàn cầu, với số người hút thuốc trên toàn thế giới tăng lên 1,1 tỉ người vào năm 2019 và hút thuốc lá gây ra 7,7 triệu ca tử vong. Trong đó, cứ 5 trường hợp tử vong ở nam giới trên toàn cầu là có 1 trường hợp liên quan đến hút thuốc.

Câu hỏi đặt ra là những phát kiến nào hiện đang có để giảm thiểu vấn nạn hút thuốc toàn cầu và tác hại của nó đối với sức khỏe con người, bao gồm ung thư, bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi và tiểu đường? Ngoài việc tư vấn và sử dụng các liệu pháp thay thế nicotin (NRTs) tiêu chuẩn, những cải tiến mới dưới dạng các sản phẩm thuốc lá không khói (ATP) như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và snus (thuốc lá ngậm) đã được chứng minh là ít gây hại hơn đáng kể so với thuốc lá điếu đốt cháy và hiệu quả hơn trong việc giúp những người muốn giảm tác hại so với việc dùng các Liệu pháp Thay thế Nicotin (NRTs) thông thường.

Được biết, các sản phẩm thuốc lá không khói thay thế thuốc lá điếu đã xuất hiện trên thị trường nước ta thời gian khá lâu và người tiêu dùng cũng đã biết đến các sản phẩm này thông qua kênh phân phối không chính thống (xách tay, nhập lậu). Tuy nhiên, việc quản lý đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ trong thời gian dài, một phần nguyên nhân đến từ những tranh cãi xung quanh khái niệm giảm thiểu tác hại thuốc lá.

Rõ ràng, không chỉ có các bệnh truyền nhiễm, thương tích do giao thông đường bộ, lạm dụng chất gây nghiện mà việc sử dụng thuốc lá điếu tiếp tục là những thách thức quan trọng mà tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam phải đối mặt. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế và hệ thống y tế mong manh sau đại dịch COVID-19, giảm thiểu tác hại thuốc lá điếu bằng các giải pháp thay thế cần được nhanh chóng ứng dụng vào luật và đời sống xã hội để góp phần trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn