MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đà Nẵng thực hiện phối hợp liên ngành kiểm soát dịch tay chân miệng

THUỲ TRANG LDO | 16/10/2018 19:09
Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận 16 ổ dịch tay chân miệng. Tuy nhiên, các ổ dịch đang được kiểm soát tốt và chưa có trường hợp bệnh nhân mắc chủng virut Enteroviruts 71 (EV71).

Ngày 16.10, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, Đà Nẵng hiện đã ghi nhận 16 ổ dịch tay chân miệng với 1.376 ca mắc, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017. 

Tuy nhiên, đây đều là những ổ dịch nhỏ, nằm rải rác trong cộng đồng dân cư. Theo thống kê của Sở Y tế Đà Nẵng, đến nay Đà Nẵng chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra. 

Ông Nguyễn Tam Lãm - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng - cho biết, hiện bình quân mỗi tuần, Đà Nẵng ghi nhận từ 60 đến 80 ca tay chân miệng, trong đó khoảng 3% bệnh nặng, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi. 

Mặc dù là nơi chưa bùng phát thành dịch lớn như các tỉnh khác, ông Lãm cảnh báo bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố như khu vực miền Trung đang vào mùa mưa khiến cho việc an toàn vệ sinh kém hơn. Bên cạnh đó, trẻ đang mùa đi học nên thường xuyên có mặt ở nơi đông người làm tăng nguy cơ mắc bệnh,….

“Tay chân miệng là bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, thực hiện ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, những người trực tiếp chăm sóc trẻ cũng phải thực hiện giữ vệ sinh như rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ, rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ… 

Mặc dù tay chân miệng là bệnh mà trẻ có thể tự khỏi nhưng nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh bị biến chứng, thậm chí là tử vong, đặc biệt là với trẻ bị mắc chủng virut Enteroviruts 71 (EV71) mà chúng ta không thể phân biệt được.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý, theo dõi, phát hiện các dấu hiệu trẻ mắc bệnh như sốt cao, nôn ói, giật mình,... và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thực hiện khám, xét nghiệm kịp thời theo chỉ định của bác sĩ”.

Ông Tam cũng cho hay, hiện nay, các trung tâm y tế Đà Nẵng đã thành lập khu cách ly để điều trị bệnh tay chân miệng, đồng thời hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Giáo dục – Đào tạo cùng các cơ quan ban ngành có liên quan cùng phối hợp, tăng cường thông tin về bệnh tay chân miệng trong cộng đồng.

Riêng trung tâm y tế dự phòng đã yêu cầu Phòng Giáo dục tuyến quận huyện ký kết kế hoạch liên ngành, truyền thông, giám sát tất cả các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình, Bệnh viện Phụ sản- Nhi... tiến hành các biện pháp phòng chống tay chân miệng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn