MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những nạn nhân của ngộ độc rượu methanol cấp cứu tại BV Bạch Mai (Ảnh: BVCC).

Đau đầu tìm giải pháp xử lý rượu độc chứa methanol

Thùy Linh LDO | 23/03/2017 20:34
Tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol đang khiến dư luận vô cùng lo lắng. Trong khi có đến 70 - 80% rượu trên thị trường không nhãn mác, trôi nổi.

Những giải pháp cấp thiết về vấn đề quản lý cồn công nghiệp, rượu tự nấu… đã được đại diện các cơ quan hữu quan đưa ra tại buổi “Tọa đàm Ngộ độc rượu methanol – Thực trạng và Giải pháp” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 23.3.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, rượu bia là thức uống có trong cuộc sống và trở thành một nét văn hóa. Thế nhưng, tình trạng báo động hiện nay là hầu như nhà hàng, quán ăn nào cũng đều có bán các loại rượu không nhãn mác, rượu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ… “Từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay đã có 15 người tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu, trong có có nhiều vụ ngộ độc tập thể như vụ xảy ra ở Phong Thổ, Lai Châu, vụ các sinh viên ở Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là thực trạng đáng báo động. Theo tôi, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, kể cả các hộ tự nấu rượu trong dân nhưng nếu có đem bán rượu thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, phải nộp thuế theo đúng quy định pháp luật” - ông Việt đề nghị.

Theo các đại biểu, từ xưa đến nay, người dân vẫn có thói quen uống rượu nấu như vậy tại sao không ngộ độc methanol mà gần đây lại tăng mạnh. Nguyên nhân là rượu bị cố ý pha cồn công nghiệp vào chứ không phải cứ rượu tự nấu gây ngộ độc. Vì thế, các đại biểu cho rằng, điều cấp bách trước mắt là phải quản lý được cồn công nghiệp hoặc chí ít cũng phải có giải pháp tạm thời như bắt buộc cồn công nghiệp phải pha màu sặc sỡ để không thể cho vào rượu được.

Tại buổi tọa đàm này, đại diện doanh nghiệp sản xuất rượu bia cũng lên tiếng: “Chúng tôi khẩn thiết mong các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Tổng cục Thuế...) cùng vào cuộc chấn chỉnh lại việc quản lý ngành cồn rượu. Và quan trọng nhất, việc quản lý nghiêm ngặt này phải được duy trì trong một thời gian dài chứ không phải chỉ là một phong trào”.

Bàn về giải pháp trước thực trạng này, thượng tá Đinh Văn Hiếu - Phó Trưởng Phòng Y tế và An toàn thực phẩm - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - cho rằng: “Hiện nay 70- 80% là rượu trôi nổi, rất khó kiểm soát chất lượng. Ngoài giải pháp tăng cường rà soát các văn bản pháp luật để quản lý cồn y tế, cồn công nghiệp thì việc tăng chế tài, tăng thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở và cần phải phổ biến trên toàn quốc. Tôi ví dụ trong một đám cưới, họ thường đặt rượu để làm cỗ, chứ mang rượu khác vào thì người dân không mặn mà gì cả. Mà chính quyền cơ sở chính là những người sâu sát nhất, nắm rõ nhất ai là người nấu rượu ở địa phương và họ biết phải làm thế nào để người dân không vi phạm, sẽ thường xuyên nhắc nhở”. 

Thượng tá Hiếu còn nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương được giao thẩm quyền thì họ phải có trách nhiệm, họ sẽ yêu cầu cam kết, vi phạm thì địa phương xử phạt. Chứ cấp trên đi thanh, kiểm tra một năm vài lần thì không xuể".

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, TS Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương - cho rằng, hệ thống chính sách, quy định của pháp luật về ATTP và sản xuất kinh doanh rượu ở nước ta đã có tương đối đầy đủ, vấn đề là thực hiện ra sao. Cụ thể, theo Luật ATTP, rượu thuộc nhóm hàng hóa được nhà nước hạn chế kinh doanh, không khuyến khích sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất kinh doanh rượu là sản xuất kinh doanh có điều kiện, vì nó là thực phẩm liên quan đến sức khỏe con người.

“Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Cũng theo luật, rượu là sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải được đăng ký bản công bố hợp quy, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận… Như vậy, nếu cơ sở sản xuất rượu không có giấy phép, lại không có công bố hợp quy thì vi phạm pháp luật tới 2 lần” – TS Nguyễn Phú Cường phân tích.

Cũng theo ông Cường, theo quy định pháp luật, tất cả các sản phẩm rượu đều bắt buộc phải ghi nhãn: Tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ, giấy tiếp nhận công bố hợp quy… Đối với rượu nhập khẩu, bắt buộc phải có nhãn phụ tiếng Việt. Ngoài ra, theo Nghị định 94 của Chính phủ thì muốn sản xuất kinh doanh rượu phải theo quy hoạch và có kiểm soát.

“Trước hết, cần hiểu rõ, methanol không được định nghĩa là rượu, đây chỉ là một thành phần gây hại không mong muốn có thể có trong rượu. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ngộ độc rượu là do cồn công nghiệp, không phải do rượu tự nấu. Vì thế, vai trò chính là phải từ chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi vi phạm về sản xuất kinh doanh rượu để bảo vệ người tiêu dùng” – ông Cường nói.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương - bày tỏ, “có tới hơn 70% rượu tiêu dùng trong dân hiện nay là rượu không nhãn mác, như vậy thì nguy hiểm quá”. Từ đó, ông Hùng cho rằng: Tất cả các bộ ban ngành, các tổ chức đoàn thể phải cùng vào cuộc chứ không thể đổ hết cho quản lý thị trường. “Trước hết, chính quyền phải kiểm soát, các lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng phải cùng vào cuộc, các đoàn thể phải vận động tuyên truyền” – ông Hùng nói...

Tin bài nổi bật

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn