MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ. Đồ họa: Hương Giang

Đau mắt đỏ có thể biến chứng nguy hiểm, thậm chí mất thị lực

Thùy Linh LDO | 18/09/2023 07:31

Có những bệnh nhân bị đau mắt đỏ tự mua thuốc về điều trị đã dẫn đến loét giác mạc, tăng nhãn áp, thậm chí sẹo giác mạc làm suy giảm thị lực.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), báo cáo thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương cho thấy: Hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...

Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Đau mắt đỏ không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như trầy xước giác mạc, thậm chí mất thị lực.

Bệnh khởi phát 3 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, triệu chứng là xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn xanh - vàng.

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh nguy cơ xuất hiện giả mạc là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, khiến bệnh lâu khỏi hoặc gây tổn thương giác mạc. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét, ảnh hưởng thị lực lâu dài của trẻ.

Thông thường, đau mắt đỏ sẽ khỏi sau 5 - 7 ngày điều trị. Tuy nhiên năm nay, nhiều trường hợp bị nặng hơn ở thể viêm kết giác mạc phải điều trị từ 10 - 20 ngày.

"Có những bệnh nhân tự mua thuốc điều trị dẫn đến loét giác mạc, tăng nhãn áp, thậm chí sẹo giác mạc làm suy giảm thị lực" - bác sĩ Quỳnh Anh cảnh báo.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương khuyến cáo: Bệnh đau mắt đỏ dễ lây qua tiếp xúc, lây qua đường tay - mắt: Tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm mầm bệnh, rồi tay chạm vào các vật dụng khác làm vương vãi mầm bệnh...

Do đó, khi bị đau mắt đỏ nên cách ly tương đối và tránh ngủ chung với người bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn