MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đẩy mạnh hệ thống giám sát để phát hiện bệnh đậu mùa khỉ

PHONG LINH LDO | 15/11/2023 18:36

Theo nhận định, với những đường lây truyền không phổ biến, cộng đồng ít có khả năng bùng phát dịch đậu mùa khỉ, song người dân vẫn nên chú trọng công tác phòng chống bệnh.

Tránh phân biệt đối xử

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Phú Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - thông tin: Ngay khi có thông tin ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn thành phố (được phát hiện tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ), ngành y tế Cần Thơ đã tiến hành theo đúng kế hoạch được xây dựng trước nhằm tiếp tục nâng cao cảnh giác, giám sát chặt chẽ trong khám, chẩn đoán, điều trị quản lý các trường hợp nhiễm/nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Cụ thể, vào tháng 3.2023, ngành y tế thành phố đã tham mưu UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch phòng chống đậu mùa khỉ khi có thông tin liên quan đến bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang thông tin về cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Phong Linh

"Khi triển khai kế hoạch cũng như các giải pháp chủ động trong phòng chống đậu mùa khỉ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ đã tiếp cận bệnh nhân, đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ, tổ chức lấy mẫu và thu dung cách ly bệnh nhân. Có kết quả chính thức, bệnh nhân được cách ly an toàn để điều trị", ông Giang cho hay.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ thông tin thêm, đến nay, tình hình bệnh nhân ổn định, bệnh nhân khỏe, bình tĩnh, việc chăm sóc được tiến hành sát, có khả năng trong thời gian ngắn bệnh nhân sẽ xuất viện.

Khuyến cáo đối với đậu mùa khỉ cũng giống như các bệnh truyền nhiễm khác, việc đầu tiên là tự vệ sinh cơ thể, người thân xung quanh bằng cách chủ động tự cách ly; thu gom những vật dụng phế thải cá nhân để riêng. Người bệnh cần khai báo cơ quan y tế để điều trị kịp thời nếu thấy có dấu hiệu bất thường.

"Đối với đậu mùa khỉ, đường lây qua đường truyền máu, da niêm mạc, đặc biệt là quan hệ tình dục không lành mạnh. Đó là những đường truyền khó xảy ra trong cộng đồng, ít nguy cơ làm bùng phát dịch lớn. Do đó, cộng đồng cũng không nên cũng có thái độ đối xử kỳ thị với người bệnh", ông Giang chia sẻ.

Đẩy mạnh hệ thống giám sát

Trước đó, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng đã có văn bản về việc việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên. Văn bản nêu rõ, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh cần tổ chức truyền thông và đẩy mạnh hệ thống giám sát phát hiện ca bệnh nghi ngờ, đặc biệt chú trọng ở các phòng khám da liễu, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phụ khoa/nam khoa.

Lưu ý đến các nhóm nguy cơ nhiễm cao như nam/nữ có nhiều bạn tình, người có bệnh lây truyền qua đường tình dục/HIV, nam quan hệ tình dục đồng giới. Cần thiết lập kênh thông tin hội chẩn ca bệnh nghi ngờ giữa các tuyến và với Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Phụ sản và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, việc quan trọng là các cơ sở khám, chữa bệnh cần phối hợp chặt chẽ CDC TP Cần Thơ tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh.

Đồng thời, thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo tình hình dịch giữa các tuyến, cơ sở y tế khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh.

"Với phòng chống dịch, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền. Do đó, nếu chúng ta đảm bảo công tác tuyên truyền tốt thì khả năng phòng ngừa bệnh sẽ cao hơn", ông Giang nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn