MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hải.

Đề xuất 5 điều chỉnh phòng chống dịch COVID-19 phù hợp thực tế

PGS.TS TRẦN ĐÌNH BÌNH (ĐẠI HỌC Y DƯỢC HUẾ) LDO | 12/03/2022 11:45

PGS. TS Trần Đình Bình, chuyên gia về Chống nhiễm khuẩn và Vi sinh y học tại Đại học Y Dược Huế (Đại học Huế) nêu 5 đề xuất điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với thực tế.

Nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới cần có sự thay đổi cho phù hợp hơn. Đó là:

1. Chỉ định xét nghiệm và xét nghiệm

Tại các cơ sở y tế: Xét nghiệm bằng test nhanh cho các bệnh nhân đến khám có triệu chứng nhiễm trùng hô hấp như sốt, ho, sổ mũi. Chỉ xét nghiệm cho bệnh nhân cần nhập viện cấp cứu, cần nhập viện điều trị nội trú, cần làm các thủ thuật, phẫu thuật. Đặc biệt là các bệnh nhân khám tai mũi họng, răng hàm mặt, có khí dung cần được xét nghiệm 100%.

Định kỳ test nhanh cho những bệnh nhân nằm viện ở khoa Ung bướu, những bệnh nhân nặng, bệnh nhân có triệu chứng hô hấp khi đang điều trị một bệnh khác vì nếu test COVID-19 dương tính sẽ thay đổi kết quả chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh.

Định kỳ mỗi tuần 1 lần test nhanh cho 10% nhân viên y tế tại các khoa, phòng có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Tại trường học, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức: Hàng tuần định kỳ test nhanh 10% số người làm việc tập trung tại cơ sở một lần vào đầu tuần.

Tại hộ gia đình có người F0 chăm sóc tại nhà: Sau xét nghiệm lần đầu và được chăm sóc tại nhà, các thành viên trong gia đình cần test lần 1, sau đó cả F0 và người nhà xét nghiệm lại lần 2 vào ngày thứ 4, lần 3 vào ngày thứ 7. Căn cứ kết quả xét nghiệm để xử lý cho phù hợp, không cần test liên tục nhiều lần trong ngày và nhiều ngày.

Tại cộng đồng: Chỉ yêu cầu xét nghiệm nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền, người cao tuổi ở chung nhà với nhiều thành viên khác định kỳ tuần 1 - 2 lần là được.

2. Quản lý chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà

Trạm y tế địa phương, tổ y tế lưu động là đơn vị quản lý người dân tại địa bàn về y tế, chịu trách nhiệm khám sàng lọc cho người dân khi có triệu chứng, xét nghiệm nhanh những đối tượng này. Không để người dân trực tiếp đến các phòng khám hoặc bệnh viện làm tăng nguy cơ lây lan.

Trạm y tế địa phương, tổ y tế lưu động là đơn vị quản lý người dân tại địa bàn bị mắc COVID-19. Hướng dẫn các quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc, xử lý chất thải và liên hệ chuyển tuyến nếu có dấu hiệu chuyển nặng. Thực hiện chăm sóc theo các sổ tay hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành.

3. Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại cơ sở điều trị

Phân tầng thu dung quản lý điều trị người mắc COVID-19 hợp lý, tập trung tầm soát số ca mắc tại các cơ sở y tế, cơ sở điều trị COVID-19 để giám sát tốt nguy cơ diễn biến nặng trên những bệnh nhân đang điều trị các bệnh nền, các bệnh nhân nhiều yếu tố nguy cơ, các bệnh nhân có nguy cơ sẽ diễn biến nặng để giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và bệnh viện ở các địa phương cần phải tổ chức đơn vị khám và điều trị chuyên khoa, hoặc tổ chức bệnh viện chuyên khoa để thu dung, chăm sóc bệnh lý COVID-19 tại địa bàn, cần phải tăng cường đơn vị ICU tốt cho các đơn vị này, để chuyển bệnh nặng đến đây.

4. Cách ly và phòng hộ cá nhân

Vaccine cơ bản đã được bao phủ trên 90% các đối tượng trên 18 tuổi, hiện đang tiếp tục tiêm mũi tăng cường (mũi 3) tại nhiều địa phương. Như vậy về cơ bản đã tạo sức đề kháng cộng đồng mạnh, nguy cơ diễn biến bệnh nặng và tử vong sẽ ít xảy ra.

Việc cá nhân thực hiện các biện pháp dự phòng cần chú ý 2 việc là khử khuẩn tay và đeo khẩu trang. Trong đó việc đeo khẩu trang thường xuyên là yêu cầu bắt buộc cho quá trình lưu thông, tiếp xúc, hội họp, học tập trực tiếp. Trang bị dung dịch khử khuẩn tay thuận tiện, rộng khắp để đến bất cứ đâu đều có thể vệ sinh tay.

Riêng việc giãn cách và tránh tụ tập thì cần linh hoạt, vì chúng ta đã bước vào giai đoạn bình thường mới, phải học trực tiếp, lao động sản xuất, hội họp. Khai báo y tế nên đơn giản, có bình thường không? Có triệu chứng hô hấp không? Có bệnh nền (trong 20 bệnh quy định của Bộ Y tế)?

5. Khi có ca lây nhiễm tại trường học, bệnh viện, cơ quan:

Xử trí linh hoạt theo các bước sau:

- Cách ly ngay ca nhiễm đến phòng cách ly tạm thời của đơn vị.

- Đánh giá nguy cơ lây nhiễm của ca này.

- Giãn cách hợp lý các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc lâu (ít nhất là 15 phút trở lên).

- Duy trì các hoạt động khác bình thường và yêu cầu toàn thể lớp học, đơn vị có ca nhiễm giữ nguyên vị trí trong 6-8 giờ tiếp theo .

- Sau 6-8 giờ, test nhanh các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc lâu (ít nhất là 15 phút trở lên) để xác định các ca nhiễm mới.

- Tùy tình huống mà đưa về chăm sóc cách ly tại nhà hay chuyển đến cơ sở thu dung điều trị covid-19.

Bệnh COVID-19 hiện nay do biến thể Omicron và Omicron tàng hình có những đặc điểm là lây truyền nhanh, có thể tránh được miễn dịch do vắc xin hay do nhiễm các biến thể trước, nhưng biểu hiện lâm sàng nhẹ, phần lớn ở hô hấp trên.

Tuy nhiên không ai có thể lường trước được sau biến thể Omicron là biến thể gì nữa - cần phải theo dõi - virus thì nó sẽ evolution theo quy luật tự nhiên của nó, có thể những đột biến tạo ra biến chủng gây bệnh nhẹ hơn rồi biến mất như con đường của một số virus corona khác như SARS 2003, MERS 2012, hay Corona gây bệnh tiêu chảy ở lợn; và cũng có thể xuất hiện một biến chủng có độc lực mạnh hơn do đột biến.

Sống chung với COVID-19 an toàn, thích ứng và phòng chống hiệu quả, vì thế không thể thể chủ quan, phải thực hiện tốt các biện pháp dự phòng cá nhân, cộng đồng hữu hiệu, khám chữa bệnh an toàn, theo dõi rất sát diễn biến dịch bệnh do virus này trong thời gian đến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn