MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam

THÙY LINH LDO | 01/05/2018 09:30
“Em sẵn sàng tình nguyện đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, nơi nào thiếu nhân lực thì em xung phong được đến” - những dòng tâm huyết của bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu (SN 1990, Hà Nội) trong lá đơn tình nguyện đi vùng khó khăn. Bác sĩ Hiếu là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 ở lĩnh vực hoạt động xã hội vừa được vinh danh.

Bóp bóng cho bệnh nhi đến 3 giờ sáng

Ngày 3.3, bé sơ sinh Sùng Tuấn Anh (37 ngày tuổi) người 
H ‘Mông ở Huổi Chạ - Mường Nhé - Điện Biên bị sốc nhiễm khuẩn. Khi nhập viện, cháu hôn mê sâu, toàn thân tím tái, chân tay lạnh ngắt, tim đập yếu, không lấy được ven, sắp ngừng thở. “Thấy tình trạng của cháu nặng quá, cháu hấp hối rồi, cứ ngáp ngáp. Mấy anh em bảo, thôi Hiếu ơi, nặng quá rồi không cứu được đâu. Em phân vân lắm, không biết nên thôi hay nên tiếp. Nhưng rồi em bảo, thôi cứ để em làm”- bác sĩ Hiếu kể.

Bác sĩ Hiếu chỉ định điều dưỡng lấy ven để tiêm thuốc trợ tim phổi nhưng không lấy được, Hiếu lại phải tự mình đặt đường truyền trong xương, chọc thẳng vào ống xương của bệnh nhi. Đây là kỹ thuật mới mà Hiếu đã được trang bị trước khi đi. Những bệnh nhân bị bỏng nặng, sốc nặng, mất nước nặng mất ven, phải dùng kỹ thuật này. Sau đó, anh đặt nội khí quản để bóp bóng cho bệnh nhi vì cháu bé sắp ngừng thở, thở rất chậm, mà bệnh viện tuyến huyện lại chưa có máy thở hiện đại.

“Bệnh nhân không có nhịp tự thở, tuyến huyện lại không có máy thở, chúng em phải bóp bóng trợ thở cho bệnh nhân chuyển đi tỉnh nhưng tình trạng nặng thế này, chuyển đi 200 cây số thì chắc chắn là chết vì trẻ bị nhiễm khuẩn huyết nặng có sốc, trụy mạch…”- Hiếu kể.

Từ lúc 8 giờ tối, Hiếu cứ tỉ mẩn, chăm chú, bình tĩnh, kiên trì ngồi bóp bóng cho bệnh nhi, đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau cháu bé mới có nhịp tự thở. Gần như một mình bác sĩ Hiếu bóp bóng cho bé, chị y tá muốn giúp, anh cũng xua tay từ chối. “Em sợ bé chết, cấp cứu sơ sinh đòi hỏi phải có kỹ năng tốt và chính xác, mình không yên tâm để người khác làm, nên tự mình phải làm”.

Bóp bóng liên tục đến khi cháu bé tự thở được vài nhịp, tim đập ổn định, huyết áp lên, mạch bắt được, bác sĩ Hiếu nối ống nội khí quản với máy thở CPAP dùng cho những bệnh nhân có nhịp thở.

Sáng hôm sau bệnh nhi tiểu tốt, mạch bắt rõ, bác sĩ giảm dần vận mạch, đến chiều bé có nhịp tự thở tốt, phản xạ tốt, bé cai được vận mạch, rút được ống nội khí quản và chuyển thở CPAP qua gọng mũi. Chữa trị ở bệnh viện khoảng 1 tuần, bé Tuấn Anh đã ổn định rồi ra viện trong sự ngỡ ngàng và hạnh phúc của gia đình.

 

Bác sĩ không được “hết hạn sử dụng”

Nung nấu ước mơ được cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp y tế của đất nước, ngay từ khi là sinh viên, Hiếu đã tích cực tham gia các hoạt động sinh viên tình nguyện trong trường Đại học Y Hà Nội. Năm 2013, Hiếu biết được Dự án 585 “Thí điểm đưa Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”, anh không ngần ngại đăng ký tham gia ngay sau khi tốt nghiệp.

Cùng năm đó, cả khóa tốt nghiệp cùng Hiếu ở Đại học Y Hà Nội, chỉ có 2-3 bác sĩ người Hà Nội đăng ký lên công tác ở vùng cao. Trước khi đơn đăng ký tình nguyện được xét duyệt, Hiếu đã được tuyển dụng vào Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Thanh Nhàn.

Sau khoảng 4-5 tháng, đơn đăng ký tình nguyện của Hiếu được xét duyệt đủ điều kiện và Ban quản lý dự án phân công Hiếu đến Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên công tác. Lúc đó Hiếu quyết định đi tình nguyện và thôi việc ở Bệnh viện Thanh Nhàn mà không có đắn đo nhiều.

Dự án đưa bác sĩ trẻ về huyện nghèo của Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ nam phải cam kết công tác tại nơi tình nguyện đăng ký trong thời gian tối thiểu 3 năm liên tục, Hiếu không nề hà, chỉ nghĩ làm sao có được tay nghề tốt và giúp đỡ nhân dân vùng khó khăn.

Mỗi tuần, Hiếu phải trực trung bình khoảng 3 buổi, hầu như thứ 7, chủ nhật nào cũng có buổi trực. Mỗi ngày, anh điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân bao gồm cả nội khoa và nhi khoa.

Do tình trạng thiếu nhân lực, Hiếu phải làm việc với cường độ cao, đôi khi Hiếu thấy quá sức đối với sức khỏe của mình, nhưng chàng trai trẻ vẫn nghĩ đến bệnh nhân nhiều hơn nên anh càng cố gắng.“Chẳng nhẽ bệnh nhân đến em lại bảo là: Tôi hết hạn sử dụng rồi, để đến mai vậy nhé?”- Hiếu cười, giọng bác sĩ trẻ trong veo xen lẫn tiếng xì xồ bập bõm của bà con người H ‘Mông ở Mường Nhé. 

“Lúc viết đơn tình nguyện em chỉ nghĩ đến chuyện lên đường, chứ không hề nghĩ được gì, mất gì”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn