MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các loại thuốc không được dùng khi trẻ bị sốt xuất huyết. Đồ họa: Hương Giang

Điểm mặt các loại thuốc hạ sốt không được dùng khi trẻ bị sốt xuất huyết

Hương Giang LDO | 30/08/2023 11:05

Khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà, bố mẹ cần hạ nhiệt, hạ sốt cho trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc Paracetamol hàm lượng 10-15mg/kg, uống cách từ 4-6 giờ. Uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38 độ C.

Chia sẻ về một số biện pháp chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, Ths Đỗ Thúy Hậu - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, phụ huynh cần nắm được một số biện pháp chăm sóc cơ bản. Cụ thể như:

Hạ nhiệt, hạ sốt cho trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc Paracetamol hàm lượng 10-15mg/kg, uống cách từ 4-6 giờ. Uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38 độ C.

Đặc biệt không cho trẻ uống các loại thuốc hạ sốt khác như Analgin, Aspirin, Ibuprofen…

Cho trẻ nằm trong phòng thoáng mát và nới rộng quần áo.

Bù nước cho trẻ: Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể uống nước hoa quả, oresol và cho trẻ uống rải đều nước trong ngày.

Đặc biệt chú ý không được uống dồn một lúc, điều này có thể khiến trẻ bị chướng bụng, đầy bụng và có thể bị đau bụng.

Về dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng dễ tiêu và đặc biệt không cho trẻ ăn đồ cứng, nhiều chất xơ. Không cho trẻ ăn uống đồ uống có ga, có màu nâu hoặc đen vì có thể gây nhầm lẫn trong vấn đề chẩn đoán bệnh.

Vì sao không dùng Aspirin và Ibuprofen trong bệnh sốt xuất huyết?

Aspirin là thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau ở liều cao và chống kết tập tiểu cầu ở liều thấp hơn. Tuy nhiên, Aspirin lại là thuốc chống chỉ định trong bệnh sốt xuất huyết.

Điều này được lý giải là do tác dụng chống tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến hiện tượng chảy máu do sốt xuất huyết không cầm được, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa, khiến bệnh trầm trọng hơn.

Vì vậy, không dùng aspirin cho người lớn và trẻ em khi bị sốt xuất huyết, đặc biệt đối với trẻ em aspirin còn gây hội chứng Reye (gây phù não, suy gan nhiễm mỡ, tỉ lệ tử vong lên đến 30-50% và có nguy cơ để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn).

Ngoài ra, Aspirin còn gây bỏng rát đường tiêu hóa, suy hô hấp, đặc biệt gây co thắt phế quản và làm nặng thêm bệnh hen suyễn.

Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) ngoài Aspirin còn có diclofenac, ibuprofen, piroxicam... Đặc biệt Ibuprofen thường hay được sử dụng để hạ nhiệt giảm đau và kháng viêm cho những bệnh nhân bị sốt.

Tuy tác dụng ngưng kết tập tiểu cầu của các thuốc này không mạnh như aspirin nhưng vẫn tồn tại đặc tính này với mức độ khác nhau, vì vậy nguy cơ chảy máu khó cầm trong sốt xuất huyết vẫn xảy ra.

Do đó Ibuprofen và các thuốc trong nhóm NSAID không được khuyên dùng để điều trị triệu chứng trong bệnh sốt xuất huyết.

Thuốc hạ sốt xuất huyết thường sử dụng

Khi mới bắt đầu có triệu chứng sốt và chưa có chẩn đoán nguyên nhân do đâu (có thể là sốt xuất huyết hoặc không) thì người bệnh tốt nhất nên sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol (acetaminophen).

Thuốc này nên được dự trữ sẵn trong tủ thuốc của mỗi gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn