MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều trị người bị liệt mặt ngoại biên do thời tiết lạnh

Hữu Long LDO | 14/01/2021 10:09

Có tới hơn 80% các trường hợp bị liệt dây thần kinh ngoại biên số VII – liệt nửa hoặc toàn bộ khuôn mặt, là do thời tiết lạnh rét. Ngoài ra, các tai nạn giao thông, di chứng sau Zona cũng là một trong những nguyên nhân gây liệt khuôn mặt. Để điều trị chứng liệt khuôn mặt, bệnh nhân cần điều trị sớm với nhiều giải pháp lâu dài…

Miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang trải qua một mùa đông giá rét hiếm thấy. Trời rét buốt khiến khiến một bộ phận người dân bị ảnh hưởng về sức khỏe nghiêm trọng trong đó có chứng liệt mặt, méo miệng.

Ở tuổi 27, chị Trần Phương N. (trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã mắc chứng liệt nửa khuôn mặt do thời tiết lạnh. Khuôn mặt bị liệt không những ảnh hưởng đến sức khỏe của chị N. mà còn khiến cuộc sống bị đảo lộn.

Được sự giới thiệu của người thân, chị N. đến điều trị châm cứu tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng gần 1 tháng qua. Hiện tại chứng bệnh liệt nửa khuôn mặt của chị N. đã thuyên giảm đến 80%.

Theo Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng, căn bệnh của chị N. có tên đầy đủ là liệt dây thần kinh VII ngoại biên hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên là mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, mà nguyên nhân của nó là do tổn thương dây thần kinh mặt, trái ngược với liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến não.

Liệt dây thần kinh ngoại biên số VII gây ra bởi hai nhóm nguyên nhân do mạch máu nuôi dây thần kinh bị co thắt gây ra các hiện tượng thiếu máu cục bộ, gây ra hiện tượng phù nề và chẹn dây thần kinh trong ống Fallope. Hiện tượng này thường tiến triển nghiêm trọng đặc biệt vào mùa lạnh, nhiều gió hoặc ban đêm.

Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng cho biết, có tới hơn 80% các trường hợp bị liệt dây thần kinh ngoại biên số VII là do thời tiết lạnh. Ngoài ra, một số bệnh nhân gặp các tai nạn lao động, tai nạn giao thông, di chứng Zona… cũng có khả năng ảnh hưởng đến khuôn mặt khi bị liệt một nửa hoặc toàn phần.

BS Nguyễn Công Lý - Trưởng Khoa khám 2 - Bệnh viện Y học Cổ truyền cho biết, dấu hiệu đặc trưng của tổn thương ngoại biên là người bệnh không thể nhắm kín mắt. Ngoài ra, ở trạng thái nghỉ, mặt không cân xứng, bị kéo lệch về bên lành; nếp nhăn trán bị xóa so với bên đối diện và cung mày bị rơi xuống; mép bên liệt bị hạ thấp, nhai và phát âm khó…

Bên cạnh các giải pháp điều trị hiện đại, bệnh liệt khuôn mặt có thể được điều trị bằng phương pháp châm cứu; cấy chỉ các huyệt vùng mặt. Điều quan trọng là bệnh nhân cần điều trị sớm kết hợp nhiều phương pháp như dùng thuốc thảo dược, tập vận động cơ ở vùng mặt...

Bên cạnh các giải pháp truyền thống, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã áp dụng phương pháp cấy chỉ châm cứu Hàn Quốc vào điều trị căn bệnh liệt khuôn mặt. Trước đó, Bệnh viện Y học cổ truyền đã sang và học tập phương pháp này từ Đại học Kyung Hee, Seoul, Hàn Quốc.

Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả giúp những người chẳng may bị liệt khuôn mặt hồi phục sức khỏe và hòa đồng với xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn