MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều trị thành công bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus

NGUYỄN TRI LDO | 15/03/2021 14:03

Sau hơn nửa tháng điều trị, một bệnh nhân ở Bình Định bị nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus (còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”) đã được xuất hiện.

Ngày 15.3, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, sau hơn nửa tháng tích cực điều trị, bệnh nhân L.C (57 tuổi, làm nghề đánh cá, ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) bị nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus hiếm gặp (còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”) đã ổn định sức khỏe và xuất viện.

Trước đó, trong lúc đánh cá, bệnh nhân L.C va phải cạnh sắc của thúng đánh cá biển làm chảy máu cẳng chân trái. 2 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện vùng hoại tử màu đen ở vùng vết thương kèm 1 vài bọng nước màu nâu đen phân bố quanh vùng vết thương cẳng chân trái.

Khi đến Bệnh viện Phong - Da Liễu Trung Ương Quy Hòa, bệnh nhân trong tình trạng huyết áp tụt, người mệt nhiều, đau đầu, chóng mặt, sốt cao kèm thương tổn ở chân lan rộng, hoại tử nhiều.

Nhận thấy, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng da nặng do nhiễm Vibrio Vulnificus. Bệnh viện đã tập trung hồi sức tích cực cho bệnh nhân, dùng kháng sinh mạnh để điều trị, cùng với đó cắt lọc mảng mô bị hoại tử.

Sau hơn nửa tháng tích cực điều trị, bệnh nhân L.C (bị nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus) đã ổn định sức khỏe và xuất viện.. Ảnh: BVCC

Sau hơn nửa tháng tích cực điều trị, bệnh nhân L.C đã được cho xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loạn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) cho biết, đây là ca bệnh hiếm gặp, khó điều trị, đòi hỏi phối hợp nhiều chuyên khoa.

Đặc biệt, điều trị bệnh chủ yếu dùng nhiều kháng sinh mạnh kết hợp cắt lọc mô hoại tử, đồng thời chăm sóc, thay băng vết thương hằng ngày.

Vibrio vulnificus là loại vi khuẩn phân bố chủ yếu ở môi trường nước mặn và nước lợ ven biển. Vi khuẩn thường được hấp thụ bởi các loại động vật ăn bằng hình thức lọc như hàu, trai, sò, ngao… Vi khuẩn cũng có mặt trong các dụng cụ xử lý, đánh bắt hải sản.

Đường lây truyền của bệnh chủ yếu qua việc ăn thực phẩm chứa vi khuẩn và phơi nhiễm với vi khuẩn qua vết thương da, niêm mạc.

Để tránh nhiễm bệnh, cần ăn chín uống sôi, không ăn hải sản tươi sống, mang đồ bảo hộ khi xử lý, chế biến hải sản, tránh tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là những người có bệnh lý mãn tính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn