MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không nên tự điều trị thủy đậu theo kiểu truyền miệng

Điều trị thủy đậu sai lầm lĩnh biến chứng

L.Hà LDO | 08/03/2018 18:30
Bệnh nhân thủy đậu đang gia tăng vào thời điểm này. Bệnh thủy đậu không mới nhưng nhiều người chủ quan, tự điều trị khiến biến chứng nguy kịch.

Biến chứng nguy kịch vì thủy đậu 

Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), bệnh nhân Bùi Thị Minh Hoàn (27 tuổi, thôn Tân Hòa, Phúc Ứng, Sơn Dương, Tuyên Quang) có tiền sử lupus ban đỏ hệ thống/hội chứng Raynaud đến nay đã 7 năm, đã phải cắt 4 đốt ngón tay hai bên, hoại tử ngón chân 4,5 trái chưa cắt.

Ngày 1.3 vừa qua, sau khi sốt ngày thứ 2, bệnh nhân Hoàn xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, thân mình, được chẩn đoán: Biến chứng viêm phổi nặng do thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống/hoại tử đầu chi. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Khoa Truyền nhiễm.

TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Sai lầm chết người khi điều trị

Theo quan niệm của nhiều người, khi mắc bệnh thủy đậu, bệnh nhân (cả trẻ em và người lớn) nên kiêng gió, kiêng nước. Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương): Đây là quan niệm sai lầm vì trên da có rất nhiều vi khuẩn sống cộng sinh, bình thường, chúng chung sống hòa bình với con người. Nhưng khi mắc thủy đậu, các nốt phỏng trên da hay ở niêm mạc có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, trẻ không chịu được sẽ gãi và làm trầy xước da.

Khi đó, nếu không được chăm sóc vệ sinh hay tắm rửa sạch sẽ, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua nốt phỏng bị vỡ gây nhiễm khuẩn tại chỗ, thậm chí viêm da nặng có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp hoặc nhiễm khuẩn huyết.

Thủy đậu là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Phụ huynh nên bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ; Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng; Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch; Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.

Ngoài ra, ở một số vùng còn chữa thủy đậu bằng cách tắm nước gốc rạ, uống nước gốc rạ. Tắm nước gốc rạ không những không có tác dụng gì hết, mà đôi khi còn ngứa gây nhiễm trùng da, còn uống nước gốc rạ có khi bị ngộ độc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn