MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu hiện phát ban khi trẻ mắc bệnh sởi

"Dính" bệnh sởi không phải ai cũng biết cách phát hiện

HL LDO | 10/12/2017 14:50
Tại Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng giảm mạnh nhưng bệnh sởi lại gia tăng. Nhiều người chưa biết cách phòng và phát hiện bệnh sởi.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần đầu tiên của tháng 12.2017 Hà Nội ghi nhận 6 trường hợp mắc. Lũy tích năm 2017 có 214 trường hợp mắc sởi, 1 trường hợp tử vong.

Cử nhân điều dưỡng Đỗ Thị Thúy Hậu – Khoa Truyền nhiễm (BV  Nhi Trung ương, Hà Nội) cho biết: Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…

Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: Nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… Chính vì vậy, bệnh dễ mắc thành dịch.

"Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong. Tại Việt Nam, dịch sởi đầu năm 2014 đã có số ca mắc 8.500 và có khoảng 114 trẻ tử vong do sởi", cử nhân điều dưỡng Đỗ Thị Thúy Hậu cho hay.

Cử nhân điều dưỡng Đỗ Thị Thúy Hậu đưa ra một số biểu hiện để người lớn dễ dàng phát hiện bệnh sởi ở trẻ. Đó là trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ C; Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng; Chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt; Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.

Cử nhân điều dưỡng Đỗ Thị Thúy Hậu hướng dẫn: Khi trẻ mắc sởi, người lớn cần chú ý một số điểm chăm sóc và theo dõi trẻ bị bệnh tại nhà. Đó là cách ly trẻ bệnh với trẻ lành; Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C theo chỉ định của bác sĩ; Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh; Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ; Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

Cách chế biến thức ăn cho trẻ mắc bệnh sởi là thức ăn phải mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. 

Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn nhất. Tiêm vaccine phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn