MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ ngày càng tiếp xúc với điện thoại sớm hơn. Ảnh: Internet

Dỗ trẻ bằng điện thoại thông minh: Mối nguy khôn lường

Thanh Đạt LDO | 06/07/2017 08:00
Không thể phủ nhận ngày nay, chiếc điện thoại đang dần trở thành vật dụng thiết yếu của cuộc sống. Chúng thân quen đến độ những chiếc điện thoại dần trở thành công cụ dỗ trẻ của những ông bố, bà mẹ bận bịu. Tuy vậy, tác hại của điện thoại tới trẻ là rất nguy hiểm mà không phải ai cũng  chú ý tới.

Cứ 10 phụ huynh thì 8 người cho trẻ dùng điện thoại thông minh

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện nay, cứ 10 phụ huynh thì có tới 8 người cho trẻ dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng. Điều đáng sợ là có tới hơn 90% gia đình cho trẻ từ 2 tuổi trở lên sử dụng các thiết bị công nghệ, điện thoại thông minh như là một cách để bé ngoan ngoãn hơn. Để cho trẻ thôi quấy khóc, cách tốt nhất là cho trẻ chơi điện thoại di động. Để trẻ tập trung ăn được nhiều hơn, cách hay nhất là mở ti vi hoặc máy tính bảng cho trẻ. Sức mạnh của các thiết bị công nghệ giờ đây hơn bất cứ thứ gì mà cha mẹ chúng có thể nghĩ ra.

Anh Nam (phố Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy hiện nay, trẻ từ 3 – 4 tuổi là đã sử dụng điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử một cách thành thạo. Nhiều trẻ còn chẳng thiết ra ngoài hay đi chơi cùng bạn bè mà chỉ chăm chăm vào cái điện thoại rồi ngồi lỳ một chỗ nhiều giờ đồng hồ liền. Như vậy thật sự rất nguy hiểm”.

Chị Miên (phố Ngô Quyền) cho hay: “Mặc dù tôi biết là cho cháu chơi điện thoại sớm quá là sẽ không tốt cho cháu. Nhưng nhiều khi bận quá, cho cháu chơi như vậy thì sẽ không quấy khóc nên đành phải cho cháu dùng.”

Bác Sỹ (phố Giảng Võ) chia sẻ: “Tôi có 2 đứa cháu, đứa nào cũng chăm chăm để lấy điện thoại bố mẹ nó chơi trò chơi rồi xem phim. Đọc trên báo thấy có nhiều tác hại, tôi đã cấm rồi nhưng bố mẹ chúng nó lại cứ chiều chuộng quá, thành ra 2 đứa bây giờ như nghiện điện thoại vậy”

Những hình ảnh không còn xa lạ với nhiều người. 

Những tác hại khôn lường

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bức xạ từ điện thoại di động và các thiết bị máy tính bảng có thể gây ra ung thư. Năm 2011, Tổ chức y tế thế giới WHO đã chính thức xác nhận điều này. Bộ não trẻ nhỏ có nhiều dung dịch hơn, hộp sọ mỏng hơn nên hấp thu sóng di động cao hơn tới 60% so với người lớn. Tỉ lệ mắc ung thư từ đó cũng lớn dần. Theo thống kê, việc cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh từ sớm khiến nguy cơ bị ung thư cao gấp 4 – 5 lần trẻ không sử dụng.

Không chỉ như vậy, việc sử dụng các thiết bị di động còn tác động rất xấu đến tâm sinh lý của trẻ: Làm trẻ tăng nguy cơ béo phì lên tới hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55%, sự suy giảm hệ thống miễn dịch do tiếp xúc với vi khuẩn trên điện thoại, gây ra các bệnh tim mạch cho trẻ, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung của trẻ…

Theo PGS Nguyễn Chương, nguyên Chủ tịch Hội thần kinh học Việt Nam, ảnh hưởng của các thiết bị di động rõ ràng nhất là tới mắt của trẻ. Theo nghiên cứu có tới 20 – 30% vi khuẩn trên điện thoại là vi khuẩn có hại, có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới trẻ.

Ánh sáng từ các thiết bị di động ảnh hưởng lớn tới mắt trẻ. Ảnh: Internet

Phụ huynh nên làm gì?

Trước những tác hại khủng khiếp mà điện thoại thông minh có thể gây ra cho trẻ, người lớn cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị không dây khác. Nếu cho trẻ dùng, không nên để quá lâu hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng. Khi ở gần trẻ, tránh gọi điện thoại nếu không cần thiết và không nói chuyện lâu lúc gần trẻ. Tuyệt đối tránh để điện thoại trên đầu giường trẻ để tránh trẻ tiếp xúc với sóng di động.

Ngoài ra, nên tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời cho trẻ. Dành thời gian cho trẻ, quan tâm đến trẻ vừa giúp trẻ khỏe mạnh cả tinh thần lẫn thể chất, vừa tránh xa được những nguy cơ gây hại tiềm tàng tới từ các thiết bị di động thông minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn