MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân bán hàng rong trước cổng trường ở quận 1, TPHCM. ̉Ảnh: K.Q

Đoàn liên ngành theo mô hình mới vẫn "vò đầu bứt tai" với thức ăn đường phố

Khương Quỳnh LDO | 13/09/2017 18:26
Thức ăn đường phố được xem là ảnh hưởng đến nhiều người nhưng các quận huyện “vò đầu bứt tai”, không biết cách giải quyết như thế nào khi vẫn "phải tạo điều kiện cho người dân làm ăn”.

Tại cuộc họp giao ban an toàn thực phẩm TPHCM ngày 13.9, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM nhấn mạnh “trước khi dẹp được thức ăn đường phố thì phải tạo điều kiện cho người dân làm ăn”. 

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, khi Tết trung thu đang tới gần, nhu cầu sử dụng bánh trung thu và thực phẩm của người dân tăng cao. Do đó, thời gian này, cần triển khai kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm tập trung vào bánh trung thu và các thực phẩm mà người dân thường tiêu thụ trong dịp này.

Lực lượng kiểm tra bao gồm đoàn liên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, cấp phường xã và đội liên quận huyện – một mô hình mới tại TPHCM. Với 3 mô hình này, theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, vấn đề an toàn thực phẩm hy vọng sẽ được “cày xới”, kiểm soát được hầu hết các hộ kinh doanh, doanh nghiệp.

Quá trình kiểm tra các hộ kinh doanh trên địa bàn TPHCM cho thấy, chưa một quận huyện nào đạt được tỷ lệ 100% hộ kinh doanh thực phẩm có giấy phép kinh doanh. Do đó, bà Phong Lan yêu cầu: “Không để cho các cơ sở không cấp phép được hoạt động vì không phép đồng nghĩa với không có nền tảng để hậu kiểm và thanh tra, khó kiểm soát”.

Bên cạnh đó, Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho rằng cần tập trung vào những tiêu điểm ảnh hưởng đến nhiều người như: Chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp tại các trường học, KCN…

Cũng là một “tiêu điểm” của an toàn thực phẩm – thức ăn đường phố được xem là ảnh hưởng đến nhiều người nhưng đại diện các quận huyện cho rằng đã “vò đầu bứt tai” mà vẫn không biết cách giải quyết như thế nào. Khi mà một gánh hàng rong có thể là thu nhập của cả một gia đình nghèo.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, TPHCM có chủ trương sẽ loại bỏ thức ăn đường phố. Tuy nhiên theo bà Lan, không thể nói dẹp là dẹp trong ngày 1 ngày 2. Mỗi quận huyện cần lên kế hoạch để quy hoạch thức ăn đường phố.

Trong khi chờ đợi loại hình kinh doanh này vào nề nếp, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để các hộ kinh doanh được làm ăn một cách thuận lợi và chấp hành an toàn thực phẩm. Các quận huyện cần nhân rộng mô hình kinh doanh thức ăn đường phố tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn