MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Hà chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: PV

Đọc sách để tự cứu mình và cứu người khác

Thùy Linh LDO | 22/09/2019 15:26

Trong cuộc sống chúng ta luôn phải đối mặt với vô vàn sự cố từ đơn giản đến phức tạp như: Côn trùng cắn, dị vật bay vào mắt, hóc, ngạt khí, chấn thương... Nhưng khi sự việc xảy ra rồi, chúng ta mới đi tìm giải pháp, mới tìm kiếm trên Google để tìm cách chữa cháy theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng". Theo các bác sĩ, mỗi người có thể tạo ra cơ hội sống cho mình và người khác nếu được trang bị trở thành "người sơ cấp cứu".

Những tình huống đau lòng chỉ vì thiếu sót kiến thức

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM từng tiếp nhận trường hợp trẻ 17 tháng tuổi được gia đình đưa vào cấp cứu do bị đuối nước. Trước đó, trẻ nghịch chậu nước trong nhà và không may bị ngã cắm đầu vào xô nước. Khi người nhà phát hiện, thấy trẻ tím tái nên lập tức đưa bé đi cấp cứu. Tuy nhiên, gia đình quên làm các biện pháp sơ cứu ban đầu. Khi vào tới viện, bệnh nhân đã ngừng tim, dù các bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng trẻ đã tử vong.

Trước đó, một bé gái khoảng 13 tháng cũng nhập viện trong trạng thái hôn mê, phù não vì ngạt nước. Theo người nhà, bé mới bập bẹ biết đi, chạy chơi và chúi đầu vào xô chỉ chứa hơn 20cm nước. Khi nhập viện, bé đã trong tình trạng trụy mạch, ngưng tim phổi, đồng tử giãn. Dù được hồi sức tích cực, bé vẫn không qua khỏi và tử vong sau đó hai ngày.

Đặc biệt, nhiều trẻ bị đuối nước hoặc gặp tai nạn ngay trong nhà. Đa phần trẻ được phát hiện muộn và sơ cứu không đúng phương pháp nên dẫn đến tỉ lệ tử vong và tàn phế do di chứng não rất cao.

Bác sĩ nội trú Vũ Việt Hà - giảng viên bộ môn Hồi sức cấp cứu, Phó trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết: "Giai đoạn đầu khi một người gặp tai nạn là cơ hội quan trọng nhất ảnh hưởng đến quá trình chữa trị, hồi phục. Lúc này, tai nạn bất thình lình xảy ra, xung quanh khó tìm được những dụng cụ y tế, người có chuyên môn. Vì vậy, trang bị kiến thức sơ cấp cứu tới cộng đồng là điều hết sức cần thiết".

Trên mạng Internet hiện nay có rất nhiều thông tin, những mẹo truyền tai, ví dụ bị tai biến thì chích 10 đầu ngón tay, hóc xương thì lấy đuôi con lươn ngoáy vào cho trơn để xương trôi đi... Những kiến thức không kiểm chứng đó có thể làm chậm quá trình sơ cấp cứu.

Hướng dẫn cấp cứu cho người dân.

Sơ cấp cứu - quyết định sự sống còn của nạn nhân

Đơn cử, gần đây nhất, một cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên trên ôtô đưa đón của một trường mầm non ở Tiên Du, Bắc Ninh suốt 9 tiếng đồng hồ đã may mắn thoát chết một cách kỳ diệu. Theo các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu được cứu sống chính nhờ một phần vào khâu cấp cứu ban đầu rất tốt, rất kịp thời. 

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Ngọc - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng khoa Quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương, giảng viên quốc tế về cấp cứu nhi khoa APLS - cho biết, trong cấp cứu đã bao hàm ý đầu tiên, là phải tức thì và phải hiệu quả nhất có thể. Đối với cơ sở y tế tuyến dưới, bản thân tiếp xúc với nạn nhân, nếu được xử lý cơ bản thì sẽ cấp cứu tốt, không những giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh nhất có thể mà còn tạo tiền đề thuận lợi cho điều trị ở cấp cao hơn. Đây là điểm mấu chốt.

Vấn đề thời điểm, thời gian, nếu chậm trễ một phút hoặc định hướng điều trị ban đầu sai sẽ dẫn tới một là khả năng phục hồi đứa trẻ rất chậm, hai là có nguy cơ gây ra biến chứng do cấp cứu ban đầu sai. Ba là, các tuyến điều trị cấp cứu cao hơn như tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương sẽ mất đi cơ hội điều trị cho trẻ ở mức độ cao nhất đó là trẻ trở lại tình trạng bình thường, không có di chứng.

"Trong trường hợp này, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của cấp cứu ban đầu, ngay ở hiện trường của vụ tai nạn ở tuyến cấp cứu gần nhất với đứa trẻ, tuyệt đối không được chậm trễ, không bỏ qua bất cứ một giây phút nào, đồng thời phải làm tốt nhất có thể được, bằng mọi hình thức, các động tác cấp cứu phải chuẩn để giúp đỡ trẻ hồi phục trọn vẹn nhất, nhanh nhất có thể, tạo điều kiện cho các tuyến sau có cơ hội cấp cứu, hồi sức được cho bệnh nhân phục hồi lại hoàn toàn"- bác sĩ Ngọc nhấn mạnh. 

Sơ cấp cứu có tầm quan trọng đối với nạn nhân vì sơ cứu ban đầu sẽ quyết định sự sống chết người bị nạn. Bệnh nhân sẽ sống sót nếu sơ cứu kịp thời và đúng cách, hoặc ít ra cũng để lại di chứng ít nhất hoặc nhẹ nhất có thể. Sơ cứu kịp thời sẽ làm cho các chức năng sống bảo tồn, các chức năng sinh hoạt sẽ được phục hồi.

Tuy nhiên, thực trạng là bộ môn sơ cấp cứu đang là một khoảng trống trong công tác giáo dục. Mặc dù, tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ việc được đào tạo về sơ cấp cứu, nhưng mức độ phổ cập của việc học và tuyên truyền sơ cấp cứu trong đời sống còn chưa thực sự được lưu ý. Đối với đối tượng là cán bộ, viên chức tại các cơ quan, công ty, người lao động tự do, người già... khả năng được tham gia vào các khóa học sơ cấp cứu do cơ quan, khu dân cư tổ chức hoặc tự mình bỏ kinh phí để tham dự một lớp học sơ cấp cứu là rất ít. Chủ yếu hiện nay nhiều người vẫn tiếp cận một cách chủ động hay bị động với các kiến thức sơ cấp cứu thông qua internet hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nếu tìm kiếm trên mạng với cụm từ “sách sơ cấp cứu” thì thấy ít nhất hàng chục đầu sách với nội dung này. Tuy vậy, với người không có chuyên môn ngành y, có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để tìm được một cuốn sách phù hợp. 

Tại buổi tọa đàm "Kỹ năng sơ cấp cứu cho cả gia đình" được tổ chức mới đây, bác sĩ Việt Hà đã giới thiệu cuốn sách Cẩm nang sơ cấp cứu thường thức do các tổ chức y học uy tín thế giới biên soạn như tổ chức cứu thương ST John, tổ chức sơ cứu ST Andrew’s, Hội chữ thập đỏ Anh. Sách được biên dịch bởi nhóm giáo dục y khoa Wellbeing, mới xuất bản tại Việt Nam.

Về tài liệu tham khảo, cuốn sách “Cẩm nang sơ cấp cứu thường thức” đang được đánh giá là tài liệu trực quan, chi tiết, dễ hiểu và dễ thực hành dành cho nhiều đối tượng, từ gia đình, nhà trường, các tổ chức cho đến doanh nghiệp. Sách bao gồm những phần chính quan trọng như: Kiểm soát một tai nạn, các vấn đề về hô hấp, vết thương và chảy máu, chấn thương cơ - xương - khớp, xử lý hóc dị vật - ngộ độc - vết cắn - vết đốt... Các cách thức xử lý tai nạn, vết thương đều có hướng dẫn cụ thể, từng bước chuẩn y khoa và kèm theo đó là hình ảnh hướng dẫn thực thế, trực quan. 

Đọc cuốn sách, người đọc được trang bị đủ kiến thức nhất định để có thể trở thành người sơ cứu; để kiểm soát sự cố, đánh giá tình trạng nạn nhân... cho đến cách xử trí khi nạn nhân bất tỉnh, xử lý các vấn đề về hô hấp, xử lý các vết thương và chảy máu, các chấn thương xương, cơ, khớp; hay kiểm soát các ảnh hưởng của nhiệt độ. Những kiến thức rất cần thiết đối với mỗi người như xử trí dị vật, ngộ độc, vết cắn và vết đốt hay xử trí các tình trạng bệnh... cũng được cuốn sách đề cập rất cụ thể.

Điều khiến bác sĩ Việt Hà tâm đắc nhất trong cuốn sách này lại là tư tưởng mà sách đưa tới độc giả. Nội dung đầu tiên mà sách đưa ra là “làm sao để trở thành người sơ cấp cứu”. Sách chuẩn bị tư tưởng, tinh thần để mọi người ý thức được tầm quan trọng của sơ cấp cứu. Bởi theo bác sĩ Việt Hà, đặc điểm quan trọng nhất trong cấp cứu đó là thời gian. Khi cấp cứu, khó khăn nhất là ta phải đủ bình tĩnh để vận dụng kiến thức mà cấp cứu.

Bác sĩ Việt Hà cho biết, trong dân gian lưu hành nhiều mẹo sơ cấp cứu, nhưng kiến thức trong cuốn sách này cơ bản theo chuẩn y khoa, lại được các giáo sư đầu ngành hiệu đính, cập nhật qua từng năm. Vì vậy, kiến thức trong sách luôn cập nhật với từng tiến bộ của ngành y.

Cuốn sách “ Cẩm nang sơ cấp cứu thường thức” được mua bản quyền từ nhà xuất bản DK, Anh Quốc và được ETS - dòng sách khoa học công nghệ của Alpha Books mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam. Tổ chức Giáo dục Y khoa Wellbeing đóng vai trò nhóm biên dịch chính của sách. Cuốn sách được biên soạn bởi các tổ chức y học uy tín thế giới, xây dựng trên nền tảng hàng trăm năm kinh nghiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn