MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đừng để nỗ lực kiểm soát thuốc lá thế hệ mới của bộ ngành bị lãng phí

Minh Cường LDO | 07/09/2021 09:20

Sự gia tăng nạn buôn lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) không chỉ “làm khó” các cơ quan quản lý thị trường, mà còn khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lo lắng, vì thực tế cho thấy việc thiếu vắng luật xử phạt đã làm cho thuốc lá điện tử lậu tấn công trường học.

Kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019 cho biết, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử nhập lậu. Thực tế này khiến các bộ ban ngành đặt ra nhu cầu khẩn thiết cần phải sớm có chính sách đồng bộ từ khung pháp lý đến triển khai thực thi trong việc quản lý phù hợp các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường.

Buôn lậu thuốc lá thế hệ mới: Không thể dẹp nếu vẫn thiếu cơ chế quản lý

Đại diện Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần sớm quản lý tốt thuốc lá thế hệ mới, vì nếu ở bên ngoài thị trường, các sản phẩm này còn trôi nổi, thì việc phòng chống nạn sử dụng thuốc lá trong nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. 

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, trong năm 2020, các cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý tới hơn 3.000 vụ buôn lậu thuốc lá, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Tuy nhiên, hiện lực lượng quản lý thị trường vẫn còn lúng túng trong việc xử lý các vi phạm liên quan.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường lý giải, hiện nay các cơ quan buộc phải xử lý việc buôn bán thuốc lá thế hệ mới là hàng hoá nhập lậu, tức là hàng nước ngoài mang về Việt Nam mà không có hoá đơn chứng từ và nguồn gốc hợp pháp. Theo vị đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, để xử lý theo luật chống hàng giả, thì bản thân sản phẩm phải được bảo hộ hợp pháp tại Việt Nam.

Cũng theo vị này, đây chính là điểm rất bất cập hiện nay. Và mặc dù con số 3.000 vụ nói trên là một con số “khủng”, các cơ quan chức năng cho rằng vẫn chưa phản ánh hết những gì đang diễn ra, vì nhu cầu của thị trường hiện nay rất lớn. Một nguyên nhân khác, theo chính các đầu nậu chia sẻ, là do lợi nhuận từ việc buôn bán thuốc lá thế hệ mới rất cao, 1 vốn có khi tới 4-5 lời. Mức phạt hành chính dao động từ vài triệu, vài chục triệu hoặc thậm chí tới vài trăm triệu, thì cũng là quá nhẹ so với mức lợi nhuận vô cùng hấp dẫn kia.

Buôn lậu thuốc lá thế hệ mới mang lại lợi nhuận khủng, trong khi mức xử phạt là quá nhẹ.

Từ góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Ngô Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, cũng cho biết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng buôn lậu thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá thế hệ mới, cần có chính sách mạnh tay hơn đối với hành vi buôn lậu thuốc lá; tăng chế tài xử phạt để tăng mức răn đe. 

Đã đủ cơ sở để sẵn sàng quản lý thuốc lá thế hệ mới

Theo cập nhật mới nhất đăng tải trên các kênh báo chí truyền thông, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.

Được biết, hiện nay, đa số các bộ ban ngành đều nhất trí với việc cần có một khung pháp lý phù hợp cho thuốc lá thế hệ mới để cơ quan chức năng không lúng túng trong việc thu giữ và xử lý các sản phẩm nhập lậu. Đây là kết quả sau nhiều hội thảo giữa các bộ ban ngành trong suốt nhiều năm qua để thảo luận về việc quản lý như thế nào đối với sản phẩm này, trong đó bao gồm các hội thảo về luật quản lý, kỹ thuật sản phẩm khác biệt như thế nào so với thuốc lá điếu đốt cháy, cũng như các hội thảo về tác động của sản phẩm lên các khía cạnh đời sống.

Nói về thông lệ quốc tế, cần biết rằng theo Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì, vốn được thông qua dưới sự thống nhất của 193 quốc gia (Việt Nam ký kết gia nhập vào ngày 11.11.2004), việc giảm gánh nặng do thuốc lá gây ra không chỉ dừng lại ở việc giảm cung, cầu mà còn bao gồm các chiến lược giảm tác hại do thuốc lá gây ra. Đến nay, hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá ngày càng được nhiều nước đưa vào chiến lược chăm sóc sức khoẻ quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Nhật, New Zealand,…

Như vậy có thể thấy, chính sách quản lý thuốc lá mới hiện đã được nhiều bộ ngành xây dựng và cân nhắc kỹ càng qua nhiều năm, đồng thời cũng phù hợp với các khuyến nghị của WHO theo Công ước Khung FCTC và nghị quyết của COP8. Mặt khác, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thị trường chợ đen của thuốc lá thế hệ mới phát triển đến mức khó kiếm soát.

Càng lo ngại hơn, khi đã gần một năm trôi qua kể từ ngày Chính phủ gửi công văn 8750 tháng 10.2020 một lần nữa giao cho các bộ ban ngành khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và trình Thủ tướng vào tháng 12 cùng năm, thì thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật. Do vậy, việc có quyết định kiểm soát các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sẽ giúp cho cộng đồng tránh xa các nguồn hàng lậu, bảo vệ sức khỏe người dùng, giảm thất thoát ngân sách, là không thể chậm trễ hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn