MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Đừng để thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài

Nhóm Phóng viên LDO | 21/11/2023 08:11

Ngày 20.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiết bị y tế tiếp tục là chủ đề nóng được nhiều đại biểu đưa ra chất vấn, thảo luận.

Cơ sở y tế thiếu tiền, doanh nghiệp cắt thuốc

Theo đại biểu Nguyễn Công Hoàng - đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, chúng ta có một giai đoạn thiếu thuốc do 2 nguyên nhân, chủ quan và khách quan. Yếu tố khách quan là do đứt gãy chuỗi và chiến tranh của Ukraine - Nga và hậu COVID-19. Nhưng về chủ quan thì có 2 vấn đề: Vấn đề thứ nhất là các nghị định, thông tư, các chính sách y tế; vấn đề thứ hai là do các cơ sở khám, chữa bệnh.

“Chúng ta phải đưa vấn đề là cần tập huấn cho các cơ sở y tế về công tác đấu thầu và quản lý đấu thầu, quản lý dự án. Bởi vì trước đây tất cả đều do Bộ Y tế đấu thầu tập trung nhưng hiện nay, ngoài danh mục đấu thầu tập trung thì cũng đã giao cho cơ sở y tế chủ động trong việc đấu thầu thuốc và cung ứng. Như vậy, có bất cập là cơ sở chưa có người đủ năng lực, độ tinh tế để làm công việc này”- đại biểu Hoàng nói.

Cũng liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, đại biểu Nguyễn Công Hoàng nói: “Do bảo hiểm giữ tiền của các cơ sở y tế. Từ các năm 2018, 2019, 2020, 2021 trong giai đoạn COVID-19 thì được phép thanh toán, nhưng từ năm 2022 đến giờ vẫn chưa thanh toán cho cơ sở y tế, một số cơ sở y tế tuyến huyện có thể nói là không thể có tiền, bây giờ quản lý theo tiêu chuẩn nên cứ 3 tháng không nộp tiền vào công ty là họ cắt thuốc”.

Đại biểu cũng cho biết, do chi phí khám chữa bệnh vượt quỹ, các cơ sở y tế không dám giữ bệnh nhân, đẩy hết lên tuyến trên, tuyến trên cũng hết quỹ lại đẩy xuống tuyến dưới, rất khổ bệnh nhân.

Để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, theo đại biểu, trước hết, để nâng cao về công tác thuốc và vật tư y tế thì chúng ta phải nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và đấu thầu cho các cơ sở y tế. “Đây là nhiệm vụ các nhà quản lý. Thứ hai, là phải nâng cao công tác dược lâm sàng. Khi thiếu thuốc này, anh phải phối hợp với dược lâm sàng để thay thế bằng thuốc khác, chứ không phải thiếu thuốc là cho bệnh nhân đi mua” - đại biểu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng đề nghị tiếp tục giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại các cơ sở y tế, các bệnh viện. Đại biểu đề nghị các tỉnh thành, địa phương đôn đốc, kiểm tra, tổ chức mua sắm các trang thiết bị cho đủ, đúng, để đảm bảo điều kiện tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân.

“Xin đừng để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế kéo dài hơn nữa. Trong những ngày qua tình trạng này vẫn còn xảy ra tương đối phổ biến ở một số địa phương” - đại biểu nói.

Vì sao đã tháo gỡ mà vẫn vướng mắc, vẫn thiếu thuốc?

Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Hiện nay vấn đề mua thuốc có 3 nơi đảm nhận. Bộ Y tế chỉ phụ trách vấn đề đấu thầu tập trung cấp quốc gia, chỉ chiếm khoảng từ 16 đến 18% tổng số, còn lại là đấu thầu tập trung cấp tỉnh và các cơ sở trực tiếp chủ động mua sắm.

“Trong quá trình làm chúng tôi thấy tại sao cơ chế, chính sách đã tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực tế. Trong tháng 8, tháng 10, bộ đã liên tục có các văn bản đề nghị các nơi tổng hợp lại những vấn đề còn vướng mắc để bộ tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ” - bộ trưởng nói.

Theo bộ trưởng, việc triển khai thực tế ở địa phương rất nhiều cơ sở giao cho các đơn vị làm nhiệm vụ đấu thầu, anh em thì toàn là bác sĩ không hiểu rõ về cơ chế mua sắm như thế nào nên trong quá trình làm cũng còn lúng túng.

Thứ hai, vấn đề phân cấp, phân quyền, bộ phân cấp toàn diện cho các cơ sở thuộc bộ đảm bảo việc mua sắm, nhưng thực tế ở dưới địa phương cũng có nơi các cơ sở y tế chỉ được đảm bảo mua được trong vòng 100 triệu trên 100 triệu đồng là phải trình qua Sở Y tế, qua Sở Tài chính và lên Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

“Chúng tôi cũng rất mong các tỉnh rà soát lại các quy định này, đảm bảo làm sao vừa quản lý được, nhưng vẫn đảm bảo được trao quyền cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, tránh thủ tục phiền hà”- Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn