MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trẻ bị đuối nước phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em

Thùy Linh LDO | 04/06/2023 17:34

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới.

Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Đó là sự tổn thất vô cùng lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và gia đình, hơn nữa còn để lại sự xót thương, những nỗi đau không thể bù đắp cho cha mẹ, người thân của nạn nhân.

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Mỗi năm, gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.

Vì vậy, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.

Đuối nước không phải lúc nào cũng có thể gây tử vong. Nghiên cứu thực tế cho thấy, ở trẻ em, cứ mỗi trẻ tử vong do đuối nước lại có 8 trẻ khác được cấp cứu vì đuối nước không tử vong.

Tuy nhiên có nhiều trường hợp nạn nhân sống sót sau đuối nước với nhiều kết quả khác nhau, có người may mắn hồi phục hoàn toàn và cũng có người phải chung sống cả đời với những thương tật, di chứng nghiêm trọng do đuối nước.

Đuối nước có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài, hồi phục khó khăn và chi phí điều trị tốn kém:

Người bị đuối nước thường gặp phải các biến chứng về phổi mắc phải hội chứng suy hô hấp cấp, viêm phổi...do thiếu oxy trong cơ thể.

Người bị đuối nước có thể bị tổn thương não hoặc tổn thương về mặt thể chất, mất cân bằng dịch cơ thể và các chất hóa học...

Đặc biệt, người bị đuối nước cũng có thể bị tàn tật hoặc rơi vào trạng thái sống thực vật vĩnh viễn.

Khuyến cáo phòng ngừa đuối nước ở trẻ em

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy – Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, phòng ngừa đuối nước ở trẻ em cần sự chung tay của cả gia đình và cộng đồng. Bác sĩ Duy khuyến cáo, để phòng ngừa đuối nước cần:

Tổ chức tuyên truyền cho mọi người dân cùng tham gia phòng tránh đuối nước trẻ em.

Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn.

Tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi

Loại bỏ nguy cơ đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học.

Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.

Ao, hồ, dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy. Có các biển cảnh báo tại các sông ngòi, hồ nước,… nơi công cộng.

Giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước.

Cần tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa và cấp cứu ban đầu đúng cho người dân.

Tổ chức các lớp cấp cứu cơ bản cho cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn