MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế rửa tay đúng cách giảm nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân. Ảnh: VN

Gánh nặng nhiễm khuẩn bệnh viện

LH LDO | 02/10/2019 06:49

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỉ lệ tử vong, di chứng, kéo dài thời gian nằm viện (từ 9 - 24,3 ngày) và tăng chi phí điều trị (trung bình từ 2 - 32,3 triệu).

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỉ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới khi mà ngày có nhiều dịch bệnh bùng phát.

Ước tính ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 1,4 triệu người bệnh trên thế giới mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Tại Việt Nam, kết quả điều tra nhiễm khuẩn bệnh viện tại 36 bệnh viện phía Bắc, tỉ lệ này là 7,9%.

Nhân viên y tế Bệnh viện K tại Lễ phát động Chiến dịch vệ sinh tay năm 2019. Ảnh: TH

Ngày 1.10, tại Lễ Phát động Chiến dịch Vệ sinh tay năm 2019 của Bệnh viện K, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, trong đó vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện; đặc biệt là sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vệ sinh tay được coi là liều vắc xin tự chế đơn giản, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.

Đơn cử như tại bệnh viện K, đa số là người bệnh ung thư được điều trị với các loại pháp như hóa trị, xạ trị gây suy giảm miễn dịch nên việc phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện rất quan trọng. Trong những năm qua, bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện.

Ngoài ra, hành động vệ sinh tay luôn được toàn thể nhân viên y tế, của người bệnh, người nhà người bệnh cũng như các đối tượng học viên, sinh viên tại bệnh viện quan tâm. Tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay năm 2017 chỉ đạt 62%, năm 2018 đạt 78,6%, và đạt 84,8% trong năm 2019.

Tại Hội nghị tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cam kết triển khai thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn