MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trương Quý Dương tiếp tục được dư luận quan tâm trong vụ tai biến chạy thận tại Hoà Bình

Giá nào cho một ca chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình?

L.Hà LDO | 12/07/2018 09:30
Từ tháng 9.2011 cho đến nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình thanh toán cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn theo đơn giá 7,7USD/1 ca chạy thận. Trong khi đó, giá ca chạy thận tính cho bệnh nhân tại bệnh viện này hiện khoảng 500.000 đồng.

Theo kết luận điều tra bổ sung mà cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) cung cấp, từ năm 2009 đến 2014, BV đa khoa Hòa Bình ký 4 hợp đồng liên kết, lắp đặt 13 máy chạy thận nhân tạo theo hình thức xã hội hóa với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. Ông Trương Quý Dương, thời điểm đó là Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình đại diện ký hợp đồng đã “đúng với nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu bệnh viện”. Đơn giá một ca chạy thận nhân tạo do UBND tỉnh phê duyệt hồi năm 2009 là 400.000 đồng.

Trước khi ký các hợp đồng liên kết lắp đặt máy chạy thận, BV và Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn đã ký đề án đầu tư hệ thống máy chạy thận nhân tạo. Hợp đồng thể hiện, bệnh viện hưởng 10% doanh thu trong tháng để chi tiền điện, nước, khuyến khích cán bộ làm thêm giờ… Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn dùng 90% doanh thu trong tháng để chi lãi vay, bảo quản thiết bị, vật tư tiêu hao.

Tháng 8.2011, Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn đề nghị thay đổi cách tính. Thay vì sử dụng 90% doanh thu, họ đề nghị thu 7,7 USD một ca chạy thận. Sau khi máy đạt được 5.650 ca, Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn giao máy cho bệnh viện toàn quyền sở hữu để tiếp tục khai thác.

Tại kết luận điều tra bổ sung kết luận: Ông Dương không chi khoản tiền nào khác ngoài tiền chi trả theo hợp đồng liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận, sửa chữa hệ thống RO với Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. 

Công an Hòa Bình xác định, ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn “không có sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên quan máy chạy thận và trong thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy", nên không đề cập xử lý.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 5.2018, các luật sư đều cho rằng: giá chạy thận tại một tỉnh như Hoà Bình là quá cao (7,7 USD). Tại BV Bạch Mai (Hà Nội), giá cũng chỉ 3,5-4 USD.

Chi tiết này cũng là một trong những lý do các luật sư yêu cầu làm rõ. Do đó, trong nội dung kiến nghị khi trả lại hồ sơ toà sơ thẩm vụ án tai biến chạy thận, Hội đồng xét xử đề nghị cần điều tra làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết mua bán máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng, vật tư y tế. Căn cứ để thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo; có hay không thỏa thuận giữa 2 bên về số tiền này. Làm rõ trách nhiệm đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước phát sinh từ các hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên.

Được biết sau khi có kết luận điều tra bổ sung, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết hàng ngày vẫn đến BV thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Mặc dù nội dung  kết luận điều tra bổ sung tội danh của mình không giảm nhưng bác sĩ Lương tin phiên toà sơ thẩm được xử lại trong thời gian tới sẽ diễn ra công minh, đúng người,  đúng tội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn