MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thay đổi thời tiết, khiến nhiều trẻ phải nhập viện do mắc các bệnh lý về hô hấp. Ảnh: Minh Hà

Gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em

MINH HÀ LDO | 11/01/2024 08:57

Những ngày gần đây, thời tiết tại Hà Nội thay đổi thất thường, từ se lạnh, nắng hanh, sương mù chuyển sang nồm ẩm, mưa phùn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp phát triển. Ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện do các bệnh lý hô hấp luôn ở mức cao.

Thay đổi thời tiết làm gia tăng bệnh đường hô hấp

Đang chăm con trai 3 tuổi bị viêm phế quản nằm tại phòng điều trị của Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, chị Lê Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con chị bị sốt, ho, sổ mũi kéo dài, chỉ số bạch cầu cao nên được chỉ định nhập viện.

“Sau 3 ngày điều trị, đến nay tình hình con tôi đã tiến triển khá hơn, nhưng vẫn phải tiếp tục nằm viện theo dõi” - chị Hương nói.

Ở phòng kế bên, cả gia đình 3 người đang thay nhau túc trực bé trai 6 tháng tuổi bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Bé có biểu hiện ho, khò khè, khó thở, sau 5 ngày tự điều trị tại nhà, thấy triệu chứng không thuyên giảm, gia đình mới quyết định đưa con đến bệnh viện thăm khám. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc viêm phổi. Kết quả xét nghiệm kết luận cháu nhiễm virus RSV.

Từ đầu tháng 10 đến nay, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội) liên tục gia tăng số lượng trẻ nhập viện do các bệnh lý về đường hô hấp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Nga, Trưởng khoa Nhi cho biết, 2 tuần trở lại đây, số lượng trẻ nhập viện tăng gấp đôi so với thời điểm trước. Hầu hết bệnh nhi nhập viện do nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, nhiễm virus RSV, cúm A.

Theo bác sĩ Nga, có rất nhiều nguyên nhân gây viêm đường hô hấp, chủ yếu do vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên, thời tiết hanh khô kèm không khí lạnh, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các yếu tố gây bệnh phát triển, làm gia tăng các ca bệnh nặng.

“Hệ hô hấp ở trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, đường thở ngắn, việc hít thở nhiều lần trong một phút sẽ tạo điều kiện cho virus gây bệnh dễ dàng xâm nhập.

Bên cạnh đó, sức đề kháng ở trẻ còn yếu nên rất dễ bị các tác nhân lạ tấn công gây bệnh” - bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Nga giải thích.

Theo dõi để phát hiện sớm trẻ bệnh trở nặng

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, gần 1 tháng nay luôn trong tình trạng đông đúc. Mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận từ 17-25 trường hợp trẻ em đến khám và hiện đang điều trị cho 80 bệnh nhi mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho biết, trẻ điều trị tại khoa chủ yếu nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, cúm A, nhiễm virus RSV. Đa số phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ trở nặng, suy hô hấp cấp mới được đưa đến điều trị, hết sức nguy hiểm.

“Phụ huynh cần hết sức lưu ý khi chăm sóc và theo dõi trẻ mắc hô hấp để phát hiện diễn tiến trở nặng. Nếu trẻ có các biểu hiện như lõm ngực, tím tái, thở bất thường, trẻ bỏ ăn, bỏ bú, rồi ngủ li bì, khó đánh thức, thở rít, rối loạn tri giác, co giật, bố mẹ phải đưa ngay tới bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời” - bác sĩ Mai khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, phụ huynh cần cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; hướng dẫn trẻ che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc nơi đông người; giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng, hợp lý theo tuổi cho trẻ.

Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ theo lịch, bác sĩ lưu ý, bố mẹ nên cho con tiêm các vaccine cúm, phế cầu nếu có đủ điều kiện. Đặc biệt, phụ huynh không nên lạm dụng kháng sinh trong việc điều trị triệu chứng ho cho trẻ mà cần phải tham khảo và tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn