MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khoẻ tim mạch như thế nào. Đồ hoạ: A.N

Giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn như thế nào?

THANH VÂN (THEO HEALTHLINE) LDO | 16/11/2021 21:30

Những người thường không ngủ đủ giấc đều có nguy cơ mắc tim mạch và nhiều bệnh lý khác, theo Healthline. Vậy giấc ngủ ảnh hưởng như thế nào đến tim mạch của bạn?

1. Giấc ngủ ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch như thế nào?

Nếu bạn nhận ra mất ngủ có ảnh hưởng đến năng suất làm việc ban ngày thì chứng tỏ giấc ngủ đã làm giảm đi chất lượng cuộc sống. Ngủ không đủ giấc liên tục sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, ngủ thất thường có liên quan đến một loạt các nguy cơ về tim mạch, bao gồm béo phì, huyết áp cao, tiểu đường và bệnh động mạch vành. Nếu có thời gian ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm thì đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch của bạn. Ngược lại, những người thường xuyên ngủ từ chín tiếng trở lên mỗi đêm có nhiều canxi tích tụ trong thành động mạch tim và các động mạch ở chân sẽ dễ bị cứng hơn so với những người thường ngủ bảy tiếng mỗi đêm. Do đó bạn nên ngủ đủ 7 - 8 tiếng/ ngày để đảm bảo sức khỏe tim mạch.

Một cơ chế khác có liên quan đến bệnh tim mạch và giấc ngủ, cụ thể là ngủ không đủ giấc có liên quan đến béo phì. Những người thiếu ngủ có xu hướng ăn vặt và ăn thức ăn nói chung nhiều hơn so với người khác. Những người thiếu ngủ ăn ít rau và bị hấp dẫn nhiều hơn đối với thực phẩm ngọt, béo. Bên cạnh đó do thiếu ngủ nên họ thường mệt mỏi cũng có thể khiến họ không tập thể dục. Từ các lý giải trên, người ngủ ít có nguy có mắc béo phì và dẫn tới bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim.

2. Giấc ngủ quan trọng như thế nào?

Giấc ngủ có chất lượng tốt làm giảm khối lượng công việc của tim do huyết áp và nhịp tim giảm vào ban đêm.

Những người bị thiếu ngủ cho thấy nhịp tim thường duy trì ở mức cao, đây không phải là một dấu hiệu tốt mà có thể là triệu chứng của căng thẳng tăng cao.

Thiếu ngủ có thể làm tăng sức đề kháng insulin, đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển của bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.

Giấc ngủ ngắn có thể làm tăng CRP hoặc protein phản ứng C được giải phóng khi căng thẳng và viêm. Nếu CRP tăng cao là yếu tố nguy cơ đối với bệnh về tuần hoàn và tim mạch. Giấc ngủ ngắn cũng cản trở sự điều chỉnh sự thèm ăn dẫn tới bạn có thể sẽ ăn nhiều hơn hoặc ăn các thực phẩm ít lành mạnh cho trái tim.

3. Làm sao để có giấc ngủ ngon?

  • Bám sát lịch trình ngủ cố định. Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng, kể cả vào cuối tuần.
  • Nhận đủ ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là vào sáng sớm. Hãy thử đi bộ buổi sáng hoặc buổi trưa.
  • Tập thể dục hằng ngày, tuy nhiên không nên tập thể dục trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.
  • Tránh ánh sáng nhân tạo, đặc biệt là trong vài giờ trước khi đi ngủ bằng cách sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh độc hại (blue light filter) trên máy tính hoặc điện thoại thông minh.
  • Không ăn hoặc uống trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ, đặc biệt là rượu và thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc đường.
  • Giữ cho phòng ngủ thoáng mát và yên tĩnh.
  • Xin ý kiến của bác sĩ để xác định những vấn đề gây cản trở giấc ngủ ngon như các vấn đề về bệnh lý.

Vì giấc ngủ với mỗi người đều rất quan trọng nên khi mất ngủ hoặc xuất hiện các dấu hiệu rối loạn giấc ngủ bạn nên đi thăm khám để các bác sĩ đưa ra phương án điều trị tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn