MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đậu xanh có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Ảnh: Từ Ân

Giải độc, giải cảm nắng, làm mát... bằng đậu xanh

Tường Minh LDO | 29/10/2022 14:00
Cách dùng đậu xanh để làm mát cơ thể, giải độc, giải cảm nắng, lợi tiểu.

Công dụng của đậu xanh

Đậu xanh còn gọi là đỗ xanh, lục đậu. Tên khoa học Phaseolus ayreus Roxb. Thuộc họ Đậu - Fabaceae.

Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Việt Nam, tác giả sách "Thuốc ở quanh ta", đậu xanh có tác dụng làm mát, giải độc, giải cảm nắng, lợi tiểu. Dùng để chữa các chứng cảm nắng, phù thũng, lỵ, lên mụn độc, giải ngộ độc thuốc.

Giá đỗ đậu xanh hiện được coi là rau sạch. Ăn giá đỗ đậu xanh hàng ngày có khả năng làm da mặt bớt khô, chống nếp nhăn. Vitamin E trong giá có tác dụng hấp thụ tia tử ngoại chống lão suy, tẩy sạch các chấm đen trên da mặt.

Gần đây, các nhà nghiên cứu cho thấy phụ nữ Nhật Bản và Trung Quốc ít bị ung thư vú do ăn nhiều giá đỗ đậu xanh.

Ngoài ra, giá đỗ đậu xanh còn giúp phụ nữ giảm nhẹ các thay đổi khó chịu ở thời kỳ mãn kinh. Giá đỗ đậu xanh có thể ăn sống, dầm giấm, muối dưa, luộc, xào và phối hợp với nguyên liệu khác để chế biến các món ăn.

Giá đỗ đậu xanh có vị ngọt, nhạt, hăng, hơi tanh, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chỉ khát, tiêu thực.

Những người hiếm con cả nam lẫn nữ, phụ nữ dễ bị sảy thai, hàng ngày nên ăn nhiều giá sống sẽ rất tốt.

Tác dụng chính là do vitamin E trong giá rất cần thiết cho cơ thể, trong trường hợp thiểu năng sinh dục và khó sinh đẻ. Sản phụ ít sữa, ăn giá sống cũng làm tăng tiết sữa. Ăn nhiều giá còn bảo vệ được tế bào của cơ thể ngăn ngừa quá trình lão hóa.

Các bài thuốc từ đậu xanh

- Cảm nắng, giải nhiệt: bột đậu xanh 50g nấu nhừ với một ít gạo; lá dâu non 16g, lá tía tô 12g, xắt nhỏ bỏ vào để sôi thêm 5 - 10 phút; ăn nguội. Đậu xanh lọc sạch cho vào nồi đổ thêm nước, nấu sôi, chắt nước có màu trong xanh để nguội uống, nước có màu đục thì thuốc không tốt.

- Zona: một nhúm đậu xanh giã nát, trộn với nước vo gạo cho đặc sền sệt rồi bôi lên, hễ thấy khô lại tẩm nước gạo lên.

- Đái đường, khát nước uống nhiều: đậu xanh nấu cháo ăn hằng ngày và sắc cây bông ổi (trâm hôi) uống thay nước chè. Đậu xanh 200g, củ cải xanh; nấu chung cho chín mà ăn trong ngày.

- Bạch đới quá nhiều: đậu xanh 500g, mộc nhĩ đen 100g; cùng rang vàng, nghiền thành bột nhỏ, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15g, ăn với nước cơm hoặc nước cháo.

- Sản phụ ít sữa: đậu xanh, đường đỏ vừa đủ; nấu thành canh uống thay nước chè hằng ngày.

- Viêm họng: đậu xanh 20g, trứng gà 01 cái; đập trứng gà vào bát đánh kỹ, nấu đậu xanh cho chín tới (không nấu quá chín), lấy nước nấu đậu đánh trứng vào mà húp; mỗi ngày 02 lần vào sáng và tối.

- Viêm niệu đạo: giá đậu xanh 500g, ép lấy nước cho đường trắng vào uống.

- Đau nhức khớp thời kỳ đầu: đậu xanh, đậu đỏ lượng bằng nhau; xay thành bột nhỏ, luyện với giấm thành hồ đắp vào chỗ đau.

- Viêm gan mạn tính: đậu xanh 100g, táo tàu 10 quả; cho nước vừa đủ nấu thành cháo, mỗi ngày ăn 1 lần.

- Ho có đờm, khô cổ, khàn tiếng, háo khát: giá sống trộn với ít muối, ép lấy nước, ngậm làm nhiều lần trong ngày.

- Ngộ độc thức ăn, bí đái: ép giá sống lấy nước pha thêm đường uống.

- Bụng đầy tức, ọc ạch, đi ngoài phân sống: dưa giá ăn đều hàng ngày, vì trong men giá có nhiều lactic, một tác nhân thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn.

- Cháo đậu xanh giải độc: đậu xanh 50g, gạo tẻ 100g; nấu cháo, để nguội, cho ăn ngày 2 - 3 lần; dùng cho các trường hợp ngộ độc thức ăn, phụ tử, ba đậu, các thuốc nông nghiệp, các thảo dược.

- Giải say rượu: dưa giá ép nước uống, sẽ có tác dụng tỉnh rượu nhanh hơn nước ép giá sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn